Israel nhắm mục tiêu gì ở Bờ Tây?

Các binh sĩ Israel tấn công vào khu vực ở Tulkarm thuộc Bờ Tây vào ngày 29-8 – Ảnh: AFP

Trong tuần này, lực lượng Israel đã tiến hành cuộc tấn công quân sự được đánh giá lớn nhất trong nhiều thập niên qua vào Bờ Tây, tiến hành các cuộc đột kích và không kích vào các khu vực dân cư đông đúc ở Jenin và Tulkarm. 

Israel cho rằng chiến dịch này nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố tiếp theo vào lãnh thổ nước này, nhưng quy mô của chiến dịch đặt ra câu hỏi về thời điểm và động cơ.

Tấn công Bờ Tây “chỉ mới bắt đầu”

Hôm 30-8, quân đội Israel tuyên bố không kích một “ổ khủng bố” ở thành phố Jenin, diệt một chỉ huy của Hamas. Cách đó một ngày, Israel tuyên bố đã giết chết năm chiến binh Palestine tại một nhà thờ Hồi giáo ở Bờ Tây sau “cuộc đấu súng trong các hoạt động chống khủng bố ở Tulkarm”.

Israel đã tổ chức nhiều cuộc tấn công mạnh vào Bờ Tây từ 28-8 và làm chết khoảng 10 người. Trước đợt tấn công này, các binh sĩ Israel cũng đã giết khoảng 600 người Palestine kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Gaza vào tháng 10-2023.

Bờ Tây, một vùng lãnh thổ nằm giữa Israel và Jordan, là nơi sinh sống của 3,3 triệu người Palestine cũng như hàng trăm ngàn người Do Thái Israel định cư gần sáu thập niên. Israel kiểm soát phần lớn khu vực này, trong khi chính quyền Palestine nắm khoảng 18%. 

Thời gian qua, các phong trào Palestine xuất hiện kết hợp với phong trào cũ chống lại Israel đã làm gia tăng bạo lực tại các khu định cư Israel ở Bờ Tây.

Vào ngày 19-8, một vụ tấn công tự sát ở Tel Aviv do Hamas nhận trách nhiệm đã làm tăng mối lo ngại trong cơ quan an ninh Israel. 

“Đây là tín hiệu cho thấy các nhóm người Palestine ở Bờ Tây trong các nhóm bí mật đang chuyển sang hành động tấn công nhiều hơn. Điều này có thể khiến các lực lượng Israel cảm thấy cần phải có một chiến lược tấn công chủ động hơn”, nhà phân tích chính trị Abdaljawad Omar nhận định trên Đài Al Jazeera.

Chính quyền Tel Aviv khẳng định việc mở rộng cuộc chiến là điều cần thiết để tiêu diệt Hamas trên nhiều mặt trận. “Iran đang nỗ lực thiết lập một mặt trận khủng bố phía đông chống lại Israel ở Bờ Tây… bằng cách tài trợ và cung cấp vũ khí cho những kẻ khủng bố và chuyển vũ khí tiên tiến từ Jordan”, Ngoại trưởng Israel Israel Katz viết trên mạng xã hội X.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo diễn biến như “đổ dầu vào lửa” này là “rất đáng lo ngại” và kêu gọi Israel ngay lập tức chấm dứt tấn công. Trong khi đó, chính quyền Palestine khẳng định động thái của Israel có thể dẫn đến những hậu quả “thảm khốc và nguy hiểm”. 

Sau đó, ông Katz “trả lời” trên X rằng: “Đây là một cuộc chiến theo mọi nghĩa và chúng ta phải giành chiến thắng”. Những lời này được giới quan sát đánh giá cho thấy chiến dịch của Israel có thể chỉ mới bắt đầu.

Vì sao vào lúc này?

Việc Israel mở chiến dịch ở Bờ Tây diễn ra giữa lúc tình hình ở mặt trận biên giới Lebanon với nhóm Hezbollah đang tạm lắng và các cuộc đàm phán hòa bình đang tiếp diễn cho cuộc chiến ở Gaza. Ngày 29-8, Tel Aviv cũng đồng ý ngừng bắn nhân đạo ở Gaza trong ba ngày để tiêm ngừa vắc xin bại liệt cho trẻ em nơi đây.

Theo giới phân tích, nhóm chính trị gia cánh hữu Israel có thể đã thúc đẩy cuộc tấn công vào Bờ Tây. Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, nhóm này đang thúc đẩy Israel tiến xa hơn nữa ở Bờ Tây nhằm sáp nhập hoàn toàn vùng đất này và di dời người Palestine. 

Ngày 28-8, việc ông Katz tuyên bố Israel nên di dời người Palestine sống ở phía bắc Bờ Tây đã càng làm tăng thêm lo ngại.

“Việc gắn các nhóm này (phiến quân ở Bờ Tây) với mối đe dọa từ Iran sẽ giúp Israel thoát khỏi mọi rắc rối”, nhà phân tích chính trị Ori Goldberg nói với Al Jazeera.

Các nhà phân tích cho rằng Israel có khả năng sẽ tiếp tục cuộc chiến trên nhiều mặt trận. Ông Michael Milshtein, một chuyên gia về các vấn đề Palestine tại Đại học Tel Aviv, đã dự đoán sẽ còn các chiến dịch tương tự trong thời gian tới vì chính quyền Israel dường như không có chiến lược nào để đánh bại Hamas ở cả Gaza và Bờ Tây.

Các nước lo ngại

Trong cuộc gặp với phái đoàn Quốc hội Mỹ tại Cairo vào ngày 29-8, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cảnh báo về những hậu quả nguy hiểm từ tình trạng leo thang bạo lực ở Bờ Tây đang làm phức tạp thêm tình hình tại Trung Đông. Trong khi đó, Chính phủ Anh cũng nhấn mạnh cần phải hạ nhiệt tình hình ngay lập tức.

“Chúng tôi công nhận Israel cần tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa an ninh, nhưng chúng tôi vô cùng lo ngại về các cách thức mà Israel đã sử dụng và các báo cáo về thương vong của dân thường và sự phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự”, Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Anh.

Tại Mỹ, đồng minh ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất, ứng viên đầy tiềm năng của Đảng Dân chủ Kamala Harris trong cuộc phỏng vấn trên Đài CNN ngày 29-8 nói rằng bà sẽ không thay đổi chính sách của Tổng thống Joe Biden về việc cung cấp vũ khí cho Israel nếu chiến thắng vào cuối năm nay. Dù vậy, bà kêu gọi đã đến lúc ngừng bắn, thỏa thuận thả con tin và “chấm dứt cuộc chiến này”.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *