Sáng 1-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đã ký và ban hành quyết định phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước, suất đầu tư thực tế khi thăm dò và dự toán Đề án thăm dò khoáng sản, để đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản, đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 5 mỏ cát.
Đặt tiền tỉ mới tham gia đấu giá mỏ cát
Theo quyết định này, có tất cả 9 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm 5 mỏ cát, 3 mỏ đất và 1 mỏ đá chẻ, nằm ở các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn và huyện Trà Bồng và TP Quảng Ngãi.
Đáng chú ý, hai mỏ cát trên sông Trà Khúc có diện tích và trữ lượng thăm dò lớn. UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp có nhu cầu tham gia đấu giá quyền khai thác phải đặt cọc hơn 1 tỉ đồng.
Cụ thể, mỏ cát trên sông Trà Khúc tại thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh có diện tích khai thác hơn 25ha, số tiền đặt cọc hơn 1 tỉ đồng; mỏ tại thôn Xuân Phổ Đông, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, có diện tích khai thác khoảng 22,7ha và số tiền đặt cọc để đấu giá quyền khai thác gần 1,6 tỉ đồng.
Ba mỏ cát còn lại ở xã Trà Bình, huyện Trà Bồng (2 mỏ) và xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức có diện tích và trữ lượng nhỏ, số tiền đặt trước lần lượt là 33,1 triệu đồng, 48,4 triệu đồng và 591 triệu đồng.
Ba mỏ đất được đưa ra đấu giá đợt này ở tỉnh Quảng Ngãi có số tiền đặt trước thấp nhất là 46,5 triệu đồng, nhiều nhất 369 triệu đồng.
Mỏ đá duy nhất được đưa ra đấu giá đợt này ở thôn Vĩnh Sơn, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, có diện tích khai thác khoảng 2,84ha và số tiền cọc hơn 92 triệu đồng.
Nâng tiền đặt trước để hạn chế đấu trúng rồi trả mỏ
Một thông tin liên quan, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thành công đối với 5 mỏ cát, tổng trữ lượng hơn 415.000m3.
Sau khi trúng đấu giá, có 4/5 mỏ cát được doanh nghiệp có văn bản xin trả mỏ. Lý do các doanh nghiệp đưa ra là đơn giá tính thuế tài nguyên sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục cấp phép, cao hơn đơn giá tính thuế tài nguyên tại thời điểm đấu và trúng đấu giá.
Vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản không đồng ý lý do trên, và yêu cầu thu thuế đúng với đơn giá tính thuế năm 2024.
Phía Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng đây là lý do không hợp lý, bởi các doanh nghiệp sau khi trúng đấu giá đã chậm trễ hoàn tất thủ tục và nộp thuế để được cấp quyền khai thác theo đơn giá cũ, đến khi có đơn giá mới lại lấy cớ trả mỏ.
Bên cạnh không đồng ý với lý do trả mỏ, UBND tỉnh cũng đề nghị có chế tài đối với các doanh nghiệp quyết nâng giá, đấu thắng rồi trả mỏ vì lý do không hợp lý nêu trên.
Việc yêu cầu đặt cọc cao trong lần đấu giá các mỏ cát sắp đến, theo nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản là cần thiết. Việc này nhằm hạn chế việc nâng giá trên trời, không hợp lý để trúng rồi trả mỏ. Trong khi đó, những doanh nghiệp có nhu cầu thật lại không “với tới” khi mức giá quá khủng.
Đây cũng là cơ sở để UBND tỉnh Quảng Ngãi thu số tiền đặt cọc như một biện pháp chế tài khi doanh nghiệp nâng giá vô tội vạ để trúng, rồi trả mỏ.