Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra những bất cập của chương trình đào tạo, nội dung sát hạch cũng như tiêu chuẩn giáo viên lái xe. Còn các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng đều chỉ tập trung vào việc tuân thủ quy định thay vì chất lượng.
Kiểm định chất lượng đào tạo lái xe
Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp có mục tiêu bảo đảm và nâng cao chất lượng và xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu trong từng giai đoạn nhất định của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp (Điều 65 Luật GDNN 2014).
Từ năm 2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định cụ thể cho tất cả các trình độ đào tạo và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Để đăng ký kiểm định, còn gọi là đánh giá ngoài, trước tiên chương trình đào tạo sơ cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải đạt tất cả các tiêu chí trong ít nhất 1 năm hoạt động. Mức đạt hay không đạt này là do cơ sở đào tạo đó tự xác định.
Việc kiểm định sẽ do một tổ chức kiểm định được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công nhận thực hiện và cấp chứng nhận (có thời hạn).
Như vậy, về mặt pháp lý, đã hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo lái xe với vị trí là giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Như mục tiêu đề ra, kiểm định sẽ giúp khởi động và duy trì liên tục tiến trình bảo đảm, cải tiến chất lượng đào tạo lái xe.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có chương trình đào tạo hay cơ sở đào tạo lái xe ô tô nào được đánh giá trong hay đánh giá ngoài.
Đánh giá chất lượng sát hạch lái xe
Với sát hạch lái xe, tương tự như chương trình đào tạo, cũng chưa có đánh giá hay công nhận có thẩm quyền nào về chất lượng.
Dù chưa có quy định nào về kiểm định chất lượng sát hạch, nhưng từ góc độ giáo dục, có thể thấy sát hạch lái xe thực chất là một kỳ kiểm tra năng lực, nên hoàn toàn có thể tổ chức đánh giá chất lượng được, cũng với mục tiêu như việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Ít nhất là đánh giá chất lượng các bài sát hạch theo lý thuyết đo lường giáo dục.
Chẳng hạn, câu hỏi và bộ đề trắc nghiệm dùng cho sát hạch lái xe, gồm cả ô tô và mô tô, nên được đánh giá về độ khó, độ phân biệt, độ tin cậy, độ giá trị và theo các nguyên tắc viết câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cũng như phân loại mục tiêu kiến thức của Bloom (1956).
Các bài sát hạch thực hành lái xe, mô phỏng các tình huống giao thông có thể đánh giá theo phân loại mục tiêu kỹ năng (Amstrong và cộng sự, 1970) và thái độ (Krathwol và cộng sự, 1964).
Dĩ nhiên, những yêu cầu về sự phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn, xây dựng văn hóa giao thông cũng phải được đánh giá theo nội dung của từng bài sát hạch.
Những nội dung trên, ít nhiều đều đã được các nghiên cứu khoa học trong những năm gần đây chỉ ra sai sót, bất cập và lạc hậu.
Xếp hạng cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe
Sau khi tự hoặc được đánh giá không đạt, chắc chắn rằng cơ sở đào tạo, sát hạch cũng như cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tập trung vào cải tiến, hoàn thiện để nâng cao chất lượng. Việc này rõ ràng mang lại lợi ích trực tiếp cho người học và toàn xã hội, ít nhất là về trật tự và an toàn giao thông.
Mặt khác, dựa trên hoạt động đánh giá, các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định cũng sẽ liên tục được hoàn thiện, nâng cao. Từ đó, lại càng thúc đẩy hơn nữa chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe.
Ngoài ra, chính các cơ sở và cơ quan quản lý nhà nước đó cũng được hưởng lợi từ sự thay đổi tích cực của mình, phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đất nước và hội nhập quốc tế.
Nếu đạt chất lượng, thông tin sẽ được công bố rộng rãi với toàn xã hội như là một sự bảo chứng. Đồng thời, cũng là cơ hội quảng bá, thu hút người học cho cơ sở đào tạo, sát hạch.
Nên xem xét cả công nhận đạt chuẩn chất lượng và xếp hạng cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe tương tự như gắn sao với khách sạn.
Để đảm bảo và nâng cao chất lượng, cần tổ chức kiểm định, công bố và xếp hạng chất lượng của chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo lái xe cũng như cơ sở sát hạch cấp giấy phép lái xe.