Tại phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12-9, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 8-2024, trong đó có ý kiến của cử tri, nhân dân về bão lũ.
Cử tri chia sẻ, đồng cảm với thiệt hại, mất mát do bão lụt
Theo ông Bình, trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị đã quyết liệt chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.
“Cử tri và Nhân dân đặc biệt bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với những thiệt hại và mất mát về người và tài sản tại nhiều địa phương và sự cố sập cầu Phong Châu tại tỉnh Phú Thọ”, Trưởng Ban Dân nguyện nói.
Theo đó, cử tri đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất. Việc này nhằm hạn chế thiệt hại và thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão.
Cử tri cũng bày tỏ đồng tình với chương trình ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Đây là hoạt động thể hiện truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái của người Việt Nam nhằm góp phần khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân vùng lũ.
Ngoài ra, các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian qua, nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn… cũng là nội dung được cử tri, Nhân dân hết sức quan tâm.
“Cử tri tin tưởng từ các chuyến thăm này sẽ góp phần củng cố và phát triển quan hệ tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững, lâu dài giữa Việt Nam và các nước”, ông Bình thông tin.
Cung cấp nhu yếu phẩm, ứng phó tình trạng khẩn cấp
Trên cơ sở phản ánh của cử tri, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ lực lượng, phương tiện, các biện pháp trong tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn với người bị mất tích, cô lập.
Đồng thời, bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu đến tay người dân; chỉ đạo mua sắm dự trữ ứng phó tình trạng khẩn cấp. Tổ chức cuộc vận động, quyên góp, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả; khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 3, tình hình mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các địa phương, ổn định đời sống và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng.
Ban Dân nguyện cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình giao thông, đê điều, lưới điện trong mùa bão lũ để đảm bảo an toàn cho người dân.
Cần chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân, theo đề nghị của Ban Dân nguyện.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kiên quyết xử lý người đưa tin thất thiệt, lợi dụng tình hình khó khăn để vi phạm pháp luật.
Đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em
Trưởng ban Dân nguyên, cử tri và Nhân dân lo lắng khi tình trạng bạo hành trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương như: Gia Lai, Hưng Yên, Phú Thọ và đặc biệt là vụ bạo hành trẻ em đang gây chú ý của dư luận tại cơ sở Mái ấm Hoa hồng (quận 12, TP Hồ CHí Minh).
Cùng đó là hình ảnh biểu diễn có sự xuất hiện của biểu tượng không phù hợp của một số nghệ sĩ khi hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài…
Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em, kịp thời đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến bạo hành trẻ em. Tăng cường thanh kiểm tra, rà soát các cơ sở để hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xác minh, làm rõ thông tin về việc nghệ sĩ chụp ảnh, quay clip có hình ảnh lá cờ chế độ cũ và xử lý nghiêm nếu có vi phạm.