Đáng chú ý, Bộ Tư pháp đề xuất bãi bỏ quy định về việc nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Thực hiện tra cứu xác nhận độc thân từ cơ sở dữ liệu thay vì nộp bản giấy
Thay vào đó, cơ quan làm thủ tục đăng ký kết hôn sẽ tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của các bên yêu cầu đăng ký kết hôn từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Dù đề xuất bãi bỏ nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn nhưng bộ này vẫn đề nghị giữ quy định về cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Theo giải thích của bộ là qua tổng hợp ý kiến của một số cơ quan trung ương và địa phương, đa số các ý kiến thống nhất không nên bỏ thủ tục này tại thời điểm hiện tại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – C06, Bộ Công an) cho hay tình trạng hôn nhân nằm trong trường thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nội dung thông tin về tình trạng hôn nhân thuộc dữ liệu chuyên ngành do Bộ Tư pháp quản lý. Do vậy, khi Bộ Tư pháp chuyển dữ liệu này sang sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Vị này đánh giá đề xuất bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân) khi làm thủ tục kết hôn của Bộ Tư pháp là phù hợp. Bởi khi các dữ liệu liên thông, cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì các cơ quan làm thủ tục đăng ký kết hôn có thể dễ dàng tra cứu, sử dụng.
Đảm bảo tính khả thi
Một chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp chỉ rõ hiện nay ngoài kết hôn thì nhiều lĩnh vực khác như mua bán, chuyển nhượng đất đai, nhà ở… cũng yêu cầu giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Tiến sĩ – luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay hiện Cơ sở dữ liệu cá nhân về dân cư đã tương đối hoàn thiện, liên thông, dễ dàng tra cứu. Khi tra cứu trong cơ sở dữ liệu thì sẽ có được rất nhiều thông tin về cá nhân, trong đó có thông tin về tình trạng hôn nhân. Bởi vậy đề xuất của Bộ Tư pháp về việc bỏ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn là hoàn toàn có cơ sở để thực hiện, đảm bảo tính khả thi.
Theo ông Cường, việc xin xác nhận tình trạng hôn nhân không phải lúc nào cũng thuận lợi, đặc biệt với những người có các thông tin khác nhau giữa giấy khai sinh với căn cước, các giấy tờ nhân thân khác hoặc trường hợp chuyển qua nhiều nơi cư trú khác nhau…
Thêm vào đó, khi đã có dữ liệu cá nhân về dân cư liên thông, dễ tra cứu, việc xác nhận tình trạng hôn nhân để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn là thừa. Vì cơ quan đăng ký kết hôn chính là cơ quan về tư pháp hộ tịch hoàn toàn có thể tra cứu được thông tin về tình trạng hôn nhân của mỗi cá nhân.
Trường hợp dữ liệu cá nhân về tình trạng hôn nhân chưa đầy đủ, chưa cập nhật sẽ giao cho cán bộ địa phương xác minh là phù hợp, nhanh chóng, thuận lợi.
Ông Cường cho hay hiện nay còn rất nhiều thủ tục hành chính có sử dụng đến giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như các thủ tục liên quan đến đăng ký bất động sản, đăng ký tài sản, đăng ký quyền sở hữu khác như ô tô, xe gắn máy… Bởi vậy cũng cần nghiên cứu xem các cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính có thể truy cập được dữ liệu cá nhân về dân cư hay không.
Mua bán, thuê, cho thuê tài khoản định danh điện tử bị phạt ra sao?
Bộ Công an đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 144 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung quy định xử phạt vi phạm về cấp định danh, xác thực điện tử; sử dụng ứng dụng định danh, xác thực điện tử. Cụ thể, phạt tiền 4 – 6 triệu đồng khi làm giả tài khoản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sử dụng tài khoản định danh điện tử giả; chiếm đoạt tài khoản định danh điện tử của tổ chức; mua, bán, thuê, cho thuê tài khoản định danh điện tử; mượn, cho mượn tài khoản định danh điện tử để người khác thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Phạt tiền 6 – 10 triệu đồng khi sử dụng tài khoản định danh điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy định của pháp luật, xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo lập ứng dụng định danh và xác thực điện tử giả, tổ chức làm giả tài khoản định danh và xác thực điện tử; can thiệp trái phép vào việc sử dụng ứng dụng định danh, xác thực điện tử của cá nhân, tổ chức; cản trở việc thực hiện phương thức xác thực điện tử trong thực hiện giao dịch thông qua hệ thống định danh, xác thực điện tử.