Khói trong đường hầm mù mịt như cháy nhà
Thời gian gần đây, bạn đọc thường xuyên thông tin đến Tuổi Trẻ Online về tình huống gặp khói bốc lên mù mịt phía trước khi lái xe trong hầm đường bộ Hải Vân (nối Đà Nẵng với Huế).
Trong đó, lái xe lo lắng nhất là hiện tượng xả khói nhiều trong hầm, gây nguy cơ giảm tầm nhìn, có khả năng dẫn đến khả năng xảy ra va chạm.
Dài hơn 6km, hầm Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất và quan trọng bậc nhất nước ta, với lưu lượng lưu thông rất lớn. Theo quy định, các loại xe có nguy cơ cháy nổ cao không được phép lưu thông trong hầm.
Theo ông Võ Ngọc Trung, giám đốc Trung tâm quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân, thời gian gần đây hiện tượng các phương tiện xả khói nhiều khi qua hầm đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại.
Trong đó trực tiếp dẫn đến các nguy cơ như giảm tầm nhìn dễ dẫn đến khả năng xảy ra va chạm, ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của lái xe và người làm việc trong hầm.
Ngoài ra, trong môi trường khép kín như hầm, nguy cơ cháy nổ gia tăng khi các khí thải có thể kích thích sự cháy nổ nếu có sự cố kỹ thuật hoặc hỏng hóc.
Theo ông Trung, đơn vị này cũng đã phát hiện và xử lý nhiều tình huống xe xả khói nhiều khi qua hầm. Trong đó đa phần nguyên nhân đến từ việc nhiều xe cũ, xả khói nhiều hơn do động cơ và hệ thống xả đã xuống cấp, một số xe hỏng hóc hoặc xe sử dụng nhiên liệu kém chất lượng.
Xử lý phù hợp để tránh “dồn toa”
Hầm đường bộ đã trở nên phổ biến ở nước ta. Các chuyên gia an toàn giao thông đã khuyến cáo lái xe xử lý tình huống khi thấy khói bốc ra mù mịt. Đặc biệt là trong môi trường không thông thoáng trong các hầm dài, khi có khói thường dày đặc vì thời gian thoát ra ngoài khá lâu.
Theo ông Võ Ngọc Trung, giám đốc Trung tâm quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân, cho biết trong tình huống này nguy cơ va chạm dễ xảy ra, do vậy cần bật đèn xi-nhan hai bên để báo hiệu nguy hiểm. Điều này giúp các phương tiện khác nhận biết tình trạng của xe.
Đồng thời lái xe cần cho xe đỗ sát làn đường bên phải, hoặc sát vào các vị trí an toàn để không gây cản trở giao thông và dễ dàng cho các lực lượng cứu hộ tiếp cận.
Trên thực tế, việc xử lý tình huống này cần đảm bảo trình tự để đảm bảo an toàn giao thông và hiệu quả trong môi trường hầm, tránh gặp phải tình trạng va chạm liên hoàn.
“Khi kiểm tra xung quanh xe nếu có dấu hiệu của cháy hoặc khói bốc lên nhiều, lái xe và hành khách cần ra khỏi xe ngay lập tức và giữ khoảng cách an toàn.
Chúng tôi có hệ thống giám sát, nhưng vẫn khuyến cáo lái xe liên lạc với Trung tâm điều hành hầm (OCC) bằng điện thoại khẩn cấp để thông báo tình huống và nhận hướng dẫn cụ thể”- ông Trung cảnh báo.
Theo Trung tâm quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân khi gặp các trường hợp này, lái xe và hành khách cần tuân theo các hướng dẫn từ hệ thống thông tin của hầm đường bộ, thường được thông báo qua hệ thống thông báo điện tử và loa phóng thanh để chỉ dẫn.
Ngoài ra cần kiên nhẫn, bình tĩnh tránh hoảng loạn trong lúc chờ lực lượng cứu nạn của hầm xử lý.
Kiểm tra xe cộ thường xuyên
Hiện tượng xe xả khói nhiều khi qua hầm Hải Vân không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Do vậy việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa và khắc phục kịp thời là rất quan trọng để đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe.
Trung tâm quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân cũng khuyến cáo lái xe tăng cường kiểm tra và bảo trì các phương tiện trước khi vào hầm để đảm bảo động cơ và hệ thống xả hoạt động hiệu quả.