Nga tuyên bố sẵn sàng nối lại thử nghiệm hạt nhân ở Bắc Cực

Hệ thống phòng không Tor-M2DT của Nga bắn tên lửa trong cuộc diễn tập quân sự trên đảo Novaya Zemlya – Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Theo Đài Russia Today, bãi thử Novaya Zemlya, nằm trên hòn đảo cùng tên ở Bắc Băng Dương, từng là một trong những điểm thử hạt nhân quan trọng của Liên Xô.

Lần cuối cùng Nga tiến hành vụ thử tại địa điểm này là vào năm 1990, nhưng sau đó đã tạm dừng các hoạt động thử hạt nhân.

Nói với tờ Rossiyskaya Gazeta của Nga ngày 17-9, Chuẩn đô đốc Andrey Sinitsyn cho biết mặc dù bãi thử không được sử dụng đúng mục đích trong 34 năm qua, nhưng hạ tầng tại đây vẫn được bảo trì và vẫn “sẵn sàng tiếp tục các hoạt động thử nghiệm quy mô lớn”.

“Nơi đây đã hoàn toàn sẵn sàng. Phòng thí nghiệm, cơ sở thử nghiệm, nhân lực đã sẵn sàng. Nếu nhận được lệnh, chúng tôi có thể bắt đầu thử nghiệm bất cứ lúc nào”, ông nói.

Ông cũng khẳng định nếu đội ngũ tại Novaya Zemlya được yêu cầu tiếp tục thử nghiệm hạt nhân, nhiệm vụ này “sẽ được hoàn thành theo đúng khung thời gian quy định”.

Ông cho biết thêm cơ sở này nằm xa tiền tuyến giữa Nga – Ukraine và nằm ngoài tầm với của các tên lửa tiên tiến nhất mà phương Tây cung cấp cho Kiev. Song vẫn có “hệ thống an ninh toàn diện” cho phép đẩy lùi mọi cuộc tấn công có thể xảy ra.

“Chúng tôi có các trạm giám sát trên không và các nhóm chế áp UAV di động làm nhiệm vụ hằng ngày. Cơ sở được bảo vệ bởi nhiều hệ thống tác chiến điện tử khác nhau. Và chúng tôi luôn sẵn sàng đẩy lùi mọi loại mối đe dọa, bao gồm cả các nỗ lực xâm nhập của các nhóm phá hoại và trinh sát hòn đảo”, ông nói.

Tuần trước, nghị sĩ Andrey Kolesnik của Đảng Nước Nga thống nhất cho rằng động thái của Matxcơva nhằm dỡ bỏ lệnh tạm dừng thử hạt nhân có thể là một thông điệp răn đe đối với các chính trị gia phương Tây.

“Chúng ta cần thực hiện một vụ nổ hạt nhân ở đâu đó, tại một bãi thử nào đó”, ông Kolesnik nói.

Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ đang cân nhắc khả năng nối lại các vụ thử hạt nhân, do một số chuyên gia tin rằng việc mô phỏng trên máy tính không đủ đối với các loại đầu đạn mới.

Ông chủ Điện Kremlin cảnh báo trường hợp người Mỹ làm như vậy, Nga có thể đáp trả bằng cách tự mình thực hiện các vụ thử hạt nhân.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *