Với nguồn lực dồi dào, nhiều doanh nghiệp phía Nam, nhất là lương thực thực phẩm, tăng lượng hàng hóa cung ứng cho miền Bắc với giá ổn định.
Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, WinCommerce, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, AEON Việt Nam… đều tăng tần suất xe đưa hàng từ 3 – 5 lần so với bình thường về các kho hàng tại miền Bắc để đáp ứng nhu cầu người dân.
Tăng hàng từ miền Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn – phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương – cho hay ngay khi bão lũ diễn ra, bộ đã lập tổ công tác tiền phương và bộ trưởng Bộ Công Thương đã cử các thành viên trực tiếp đến các địa phương vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng… để nắm bắt tình hình thực tế, điều tiết hàng hóa.
Theo ông Tuấn, dù bão lũ đã gây thiệt hại nặng cơ sở hạ tầng thương mại nhưng các doanh nghiệp đã nhanh chóng khắc phục để bán hàng trở lại, kịp thời cung ứng hàng cho thị trường. Với các chợ hư hỏng nặng hơn, địa phương đã kịp thời bố trí các chợ tạm ngoài trời để hỗ trợ duy trì việc mua bán hàng hóa cho người dân.
Trong khi đó, các hệ thống phân phối lớn đều chủ động nguồn cung, tăng lượng hàng hóa dự trữ, tăng cường công tác vận chuyển từ miền Trung và miền Nam để bù đắp thiếu hụt cho khu vực miền Bắc nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa, giá cả ổn định.
Tại một số khu vực vẫn còn bị cô lập, ngành công thương đã phối hợp với lực lượng quân đội, công an, ngành giao thông vận tải để phối hợp hỗ trợ vận chuyển hàng hóa thiết yếu, trong trường hợp cần thiết huy động phương tiện vận tải chuyên dụng để kịp thời tiếp cận địa bàn.
Để bù đắp nguồn hàng, các hệ thống phân phối lớn đã đẩy mạnh nhập rau củ quả từ các tỉnh miền Trung, miền Nam ra để đưa vào các hệ thống phân phối của mình tại miền Bắc.
Điển hình như Saigon Co.op, WinCommerce, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, AEON Việt Nam… đều tăng tần suất xe đưa hàng từ 3 – 5 lần so với bình thường về các kho hàng tại miền Bắc để đáp ứng nhu cầu người dân.
Để chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa được đảm bảo, ông Tuấn cho hay Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình thị trường, phối hợp các đơn vị sản xuất, cung ứng để cần thiết sử dụng ngay hàng dự trữ, huy động nguồn xã hội hóa đảm bảo cung ứng đủ lương thực thực phẩm thiết yếu.
“Bộ đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng tăng cường vận chuyển, bổ sung nguồn cung hàng hóa có nhu cầu lớn như lương thực thực phẩm từ các tỉnh miền Trung, miền Nam để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, góp phần ổn định giá cả, thị trường. Có phương án cung cấp hàng hóa lưu động, nhất là những mặt hàng thiết yếu, đến những khu vực ngập lụt”, ông Tuấn cho biết
Ngoài ra, theo ông Tuấn, bộ cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường.
Ưu tiên bảo đảm nguồn điện cho các trạm bơm phục vụ công tác tiêu úng, chống ngập để sớm khôi phục các vùng trồng.
Hàng hóa dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu
Bà Huỳnh Phương Trinh, phó tổng giám đốc Công ty liên doanh bột quốc tế Intermix (TP.HCM), cho biết mỗi ngày đơn vị có thể sản xuất ra khoảng 60 tấn bột trộn (trộn từ nhiều loại bột) để chế biến thành các sản phẩm bánh.
Ngoài ra, đơn vị có thêm các sản phẩm khác như mì khô, bột mì, cháo ăn liền… Riêng sản phẩm bột mì có thể sản xuất ra thị trường hàng trăm tấn, thậm chí cả nghìn tấn mỗi tháng.
“Chúng tôi có ba nhà máy xay xát bột mì với công suất lớn nhưng chưa khai thác hết. Chưa kể nguồn nguyên liệu lúa mì nhập khẩu hiện đã được đơn vị nhập về đầy kho.
Đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng tăng lượng sản xuất để bù cho sản xuất miền Bắc và miền Trung thiếu hụt, gần như nhu cầu tới đâu sẽ sản xuất tới đó”, bà Trinh nói và khẳng định giá bán nếu tăng cũng không quá 5% dù giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Riêng bán vào kênh siêu thị sẽ ổn định hơn do hợp đồng ký xuyên suốt cả năm, đặc biệt ưu tiên không tăng giá vào thời điểm cuối năm. Trong khi đó, đại diện Công ty Acecook VN khẳng định hiện nguồn cung và sản xuất đã ổn.
“Với các nhà máy mới được đưa vào hoạt động, lượng sản phẩm mì, phở các loại được đưa ra thị trường sẽ tăng trong thời gian tới, đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung, giá bán ổn định”, vị này nói.
Bà Phạm Thị Huân – chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân (TP.HCM) – cũng cho biết sản lượng trứng được đơn vị cung ứng ra thị trường khoảng hơn 1 triệu quả/ngày, tăng nhẹ so với bình thường và vẫn có thể đáp ứng được 1,5 triệu, thậm chí 2 triệu quả cho thời điểm cuối năm để chi viện thêm cho thị trường phía Bắc nếu cần.
“Đơn vị xây dựng trang trại quy mô lớn và cũng tăng liên kết với nhiều cơ sở nuôi, nên khi cần có thể tính toán tăng dần lượng trứng và cố gắng giữ giá bán bình ổn”, bà Huân khẳng định.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, sau thời gian tăng, vài ngày qua giá heo hơi ổn định 64.000 – 67.000 đồng/kg.
Tuy vậy, với việc cần hơn bốn tháng để nuôi một lứa heo thịt, để bù vào việc thiếu hụt nguồn cung từ phía Bắc, người nuôi buộc phải tái đàn ngay từ bây giờ mới kịp mùa Tết.
Vấn đề khó khăn là bệnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, việc tăng đàn là không dễ. “Nếu nguồn cung phía Bắc thiếu hụt lớn như dự báo, trong khi việc tái đàn phía Nam gặp khó, giá heo sẽ tăng” – ông Đoán nói và cho rằng cần tính sớm các phương án khôi phục nguồn cung, trong đó có giải pháp nhập khẩu thịt.
Không lo thiếu vật liệu xây dựng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Thanh – tổng giám đốc Tôn Hoa Sen – cho biết nhu cầu tôn mạ và các vật liệu xây dựng cho thị trường miền Bắc cao hơn ngày thường do người dân, doanh nghiệp khôi phục xây dựng sau bão lũ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang có sẵn nhà máy hơn 800.000 tấn/năm tại Nghệ An, cùng chuỗi đại lý tại các tỉnh thành nên không có chuyện khan hàng, tăng giá.
Cũng theo ông Thanh, doanh nghiệp này đã làm việc với hệ thống đại lý, yêu cầu không được tăng giá bán vật liệu xây dựng, tôn thép. Trong khi đó, theo dữ liệu của SteelOnline.vn, giá thép tại miền Bắc trong tuần qua vẫn ổn định.
Chẳng hạn, với Thép Hòa Phát, dòng thép cuộn CB240 đang ở mức 13.640 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.840 đồng/kg. Thép cuộn CB240 của Thép Việt Ý ở mức 13.640 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.740 đồng/kg. Thép cuộn CB240 Việt Đức ở mức 13.580 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 là 13.890 đồng/kg…
Theo các doanh nghiệp trong ngành như Tôn Đông Á, Hòa Phát, Tôn Nam Kim…, dù nhu cầu tại thị trường phía Bắc tăng mạnh nhưng cung vẫn đáp ứng đủ cầu. Do đó, giá cả các sản phẩm tôn, thép, vật liệu xây dựng trong hơn một tuần sau bão không biến động dù nhu cầu có tăng cao.
Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất
Tại hội nghị hỗ trợ phục hồi sản xuất trồng trọt sau bão lũ tại khu vực phía Bắc, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 18-9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết bão số 3 gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh miền Bắc, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể, riêng lĩnh vực trồng trọt, có khoảng 312.000ha ngập lụt, ngã đổ, thiệt hại rất nặng, ước tính hơn 100.000ha mất trắng. Nếu tính thiệt hại về tiền, riêng khoảng 200.000ha lúa bị ngập úng, mất khoảng 3.000 tỉ đồng. Thiệt hại về hoa màu và cây ăn trái ước tính khoảng 1.250 tỉ đồng.
“Rất đau xót bởi nhiều vùng ngập lụt đến tận ngọn cây chuối; nhiều khu vực trồng cây cảnh, cây ăn trái giá trị nhiều tỉ đồng đều ngập trong lũ. Có những ruộng lúa chuẩn bị gặt mà chưa kịp gặt, ngập lụt khiến lúa nảy mầm không khác gì giá đỗ” – ông Trung nói.
Theo ông Trung, để sớm có nguồn lực phục hồi sản xuất, Bộ NN&PTNT kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, hiệp hội nhằm chia sẻ hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất.
“Bộ sẽ có những hội nghị phục hồi sản xuất để đảm bảo khung mùa vụ và cơ cấu cây trồng. Từ đó, đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm cuối năm và các năm tiếp theo” – ông Trung cho biết thêm.
Cũng theo ông Trung, kho dự trữ quốc gia đang có khoảng 5.800 tấn lúa, trong đó giống lúa các loại để phục vụ cho các tỉnh phía Bắc hơn 4.000 tấn, thiếu hơn 10.000 tấn giống so với nhu cầu tại các địa phương bị thiệt hại sau bão lũ.
Tuy nhiên, với sự chung tay của các doanh nghiệp và các nguồn lực khác, hoàn toàn có thể cung ứng đủ số lượng giống để bà con sản xuất vụ tới.
“Đây là lượng giống để phục vụ cho vụ đông xuân 2024-2025, nên còn thời gian để huy động, bảo đảm cung ứng và hỗ trợ cho nông dân vùng bị thiên tai, bão lũ đủ nguồn giống để sản xuất” – ông Trung nói và cho biết Bộ NN&PTNT đang rất nỗ lực triển khai ngay các giải pháp ứng phó từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng như vấn đề rau màu, cây ăn quả… để đảm bảo nguồn cung cho cuối năm.
Theo dự kiến, trong tuần tới Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị sản xuất cây vụ đông ở các tỉnh phía Bắc với diện tích sản xuất khoảng 400.000ha. “Với những diện tích mất trắng 100%, chúng tôi chỉ đạo phá bỏ và đẩy mạnh trồng cây vụ đông.
Đề nghị các địa phương cơ cấu sử dụng giống ngắn ngày để quay vòng nhiều vụ trong thời gian trước khi sản xuất vụ lúa đông xuân. Nếu sản xuất tốt cây vụ đông sẽ đáp ứng tốt nhu cầu thực phẩm cho nội tiêu, đặc biệt là phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán”, ông Trung thông tin.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết đang chủ động làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp để cung ứng giống cho các địa phương kịp thời nhất. Với phương châm mọi thứ cũng phải nội lực tại chỗ, địa phương phải chủ động phối hợp các đơn vị của bộ, doanh nghiệp để đảm bảo giống, vật tư nông nghiệp để phục vụ cây vụ đông sản xuất sớm nhất, bảo đảm diện tích, năng suất…
“Các lĩnh vực khác như chăn nuôi, thủy sản cũng đang được các lãnh đạo Bộ NN&PTNT kịp thời chỉ đạo cùng các giải pháp để phục hồi sớm. Qua đó, người dân tiếp tục kinh doanh, sản xuất ổn định và cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến trồng trọt…”, ông Trung khẳng định.
Nhà vườn Đà Lạt tăng 30 – 50% sản lượng
Vùng nông sản Đà Lạt (gồm Đà Lạt và các huyện lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng với tổng diện tích rau được canh tác thường xuyên hơn 60.000ha) đã tăng lượng nông sản, cả rau củ lẫn rau lá cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng sau lũ tại khu vực phía Bắc.
Nhiều nhà vườn cũng đã tăng diện tích để tăng sản lượng từ 30 – 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Diễm Thúy, đại diện nông trại Phong Thúy (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), cho biết ngay sau bão số 3, tổng lượng nông sản cung ứng ra phía Bắc của công ty đã tăng 30%. Trong 10 ngày qua, sản lượng cung ứng cho thị trường này đã tăng từ 12 – 20 tấn.
Dự kiến từ nay đến Tết sẽ tăng sản lượng thêm khoảng 30% mới đủ cung ứng. “Vùng nông sản Đà Lạt đang cao điểm mùa mưa nên mở rộng diện tích canh tác rất khó khăn. Chúng tôi phải tăng diện tích canh tác trong nhà kính nhà lưới để có thể đáp ứng đủ chủng loại nông sản rau củ lẫn rau lá”, bà Thúy nói và khẳng định giá nông sản sẽ ổn định nếu chi phí vận chuyển không tăng mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hoa – chủ vựa cà rốt, củ dền và khoai tây (đường Nguyên Tử Lực, P.8, Đà Lạt) – cho biết liên tục một tuần qua vựa này đã cung cấp cho các thương lái chuyên bán hàng ra khu vực miền Bắc 5 tấn/ngày, các chủ hàng hối thúc liên tục. Do thiếu hàng, bà phải mở rộng thu mua xuống huyện Đơn Dương.
Bà Nguyễn Thị Bảy – chủ vựa rau nằm trên đường Nguyên Tử Lực (P.7, Đà Lạt), người chuyên cung ứng bông cải xanh và trắng cho Hải Phòng và Hà Nội với khoảng 2 tấn/ngày – thừa nhận thị trường nông sản phía Bắc không phải là thế mạnh của vùng nông sản Đà Lạt. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, việc tăng sản lượng cung ứng ra phía Bắc với giá bình ổn sẽ dễ được đón nhận hơn.
Theo bà Bảy, do đã chuẩn bị trước nên khi xảy ra bão lũ tại miền Bắc thì các kho hàng của thương lái tại Đà Lạt đã đầy hàng và xuất ra miền Bắc liên tục và đều đặn mỗi ngày 100 tấn nhằm hạ nhiệt tại thị trường này trong vòng 1 tuần. Bà khẳng định: “Sẽ còn đủ hàng trong 1 tuần nữa, trước khi vùng nguyên liệu dự trữ đã cho thu hoạch”.
Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cũng đã gửi văn bản đến các đơn vị liên quan về việc ổn định cung ứng nông sản ra các tỉnh phía Bắc với chất lượng, giá cả ổn định nhất. Theo đó, cơ quan này yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất tăng lượng cung ứng nông sản ra các tỉnh phía Bắc, có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về giá cho người dân bị ảnh hưởng do bão lũ.