Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước nhưng cũng là nơi hứng chịu các cơn bão hằng năm, miền Bắc cần quan tâm hơn đến sự dẻo dai, khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch cho khả năng phục hồi nhanh chóng trước thiên tai cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây.
Thảm họa này là lời cảnh tỉnh: chúng ta cần thiết kế chuỗi cung ứng khác biệt, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và phục hồi nhanh chóng hơn. Thông điệp đã rõ ràng: khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng không còn là một lựa chọn nên hay không nữa, mà chính là một điều tất yếu phải có.
Ông JULIEN BRUN (đối tác điều hành của CEL)
Chuỗi cung ứng thiệt hại nặng nề do bão
Ngày 7-9, bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh và Hải Phòng, rồi lan rộng ra nhiều tỉnh thành ở miền Bắc. Ngoài các thiệt hại khi đổ bộ trực tiếp, bão còn mang theo mưa lớn kéo dài, gây ra lũ lụt và sạt lở đấtnghiêm trọng.
Những ngày sau bão, theo ghi nhận của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do mưa lớn, mực nước trên nhiều sông suối ở Bắc Bộ lên nhanh, nhiều nơi mức lũ vượt đỉnh. Lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Thống kê cũng cho thấy có 20/25 tỉnh thành phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.
Theo Bộ Giao thông vận tải, nhiều ngày sau khi bão đổ bộ, vẫn còn hàng trăm điểm bị chia cắt và ách tắc trên nhiều tuyến quốc lộ ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh trung du và miền núi. Khai thác vận tải bị gián đoạn khi cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng tại tỉnh Phú Thọ bị sập. Một số cây cầu khác trong khu vực bị ảnh hưởng cũng dừng khai thác vận tải đối với toàn bộ hoặc một số phương tiện giao thông.
Báo cáo Đánh giá tác động của bão Yagi đối với chuỗi cung ứng tại miền Bắc Việt Nam của công ty tư vấn giải pháp chuỗi cung ứng CEL cho thấy vận tải là hoạt động bị ảnh hưởng nhiều nhất từ bão Yagi, với 56,6% số công ty tham gia khảo sát chịu tác động.
Khảo sát trên được CEL thực hiện từ ngày 10 đến 15-9 đối với 216 doanh nghiệp đối mặt tức thì với các hậu quả do bão Yagi.
Theo báo cáo, các doanh nghiệp trong ngành chuỗi cung ứng & logistics (supply chain & logistics) bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 82,4% doanh nghiệp đối mặt với các ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc vừa phải.
Cùng với đó, khoảng 20 – 30% trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đường sá hư hại làm gián đoạn logistics và vận tải. Điển hình như mỏ than Vàng Danh (Quảng Ninh) có thời điểm đã hoàn toàn mất điện và liên lạc, bị cô lập do sạt lở trên tuyến đường từ thành phố Uông Bí đến đây.
Cần có kế hoạch “đón bão”
Ngoài gián đoạn vận tải, chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp còn ghi nhận thiệt hại ở nhiều hoạt động khác. Theo CEL, khoảng 50 – 60% nhà máy của các doanh nghiệp tham gia khảo sát bị ngập lụt nghiêm trọng, cùng với đó là khoảng 30 – 40% cơ sở hạ tầng công nghiệp bị hư hại mái do gió lớn.
Ngoài ra, khoảng 20 – 30% công ty phải đối mặt với thiệt hại hàng tồn kho, đặc biệt là các ngành như điện tử và sản phẩm gỗ.
Báo cáo của CEL cho thấy các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ và phân phối, cụ thể là các siêu thị và chuỗi cung ứng thực phẩm tại miền Bắc Việt Nam, đã có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo ổn định nguồn thực phẩm cũng như giá cả. Trong trường hợp của MM Mega Market, chuỗi siêu thị này đã tăng gấp ba lần lượng rau củ quả từ Lâm Đồng, nâng nguồn cung hằng ngày lên 40 tấn bất chấp sự chậm trễ về logistics do ngập lụt.
GDP Việt Nam có khả năng giảm do bão
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh thành miền Bắc và Thanh Hóa, chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước.
Ước tính sơ bộ cho thấy thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỉ đồng (khoảng 1,6 tỉ USD). Thiệt hại do bão Yagi có khả năng khiến tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại.
Tăng trưởng GDP quý 3 của cả nước có thể giảm 0,35%, quý 4 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8 – 7%.