Các tổ chức nghiên cứu thị trường đưa ra báo cáo phân tích về thị trường xe cá nhân ở Đông Nam Á năm 2024. Trong đó, thống kê có đến 96% người Việt Nam chọn xe máy làm phương tiện di chuyển cá nhân, trong khi chỉ có 4% người thích dùng ô tô.
Theo nhiều bạn đọc, thông tin này gây chú ý nhưng không quá bất ngờ với người Việt mình.
Nhằm góc thêm góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông, xung quanh vấn đề này.
Lịch sử lâu đời, lãng mạn của xe máy
Xe máy có lịch sử phát triển lâu đời cùng với lịch sử ô tô. Cả hai loại xe này đều xuất hiện đầu tiên cùng tại Đức và dần về sau lan đến châu Âu.
Còn ở Việt Nam, những chiếc xe gắn máy đầu tiên xuất hiện ở vào những năm 1950. Theo lịch sử phát triển, chiếc xe máy từ lâu đã ăn sâu vào đời sống và xã hội người Việt, đặc biệt là người miền Nam.
Dòng xe Vespa từng một thời trở thành mốt, khiến giới trung lưu công chức, trung niên và cả tuổi trẻ mê như điếu đổ.
“Đêm nao xa lộ Biên Hòa; Dạy em học lái Vespa một mình” từng đi vào thơ ca.
Do từng có một thời xe máy gắn liền với người Việt, từng đi vào thơ ca, văn chương… nên người Việt chuộng xe máy cũng là điều dễ hiểu. Đến hôm nay tình yêu xe máy vẫn không hề thay đổi.
Đó là một trong những lý do cho thấy 96% người Việt lựa chọn xe máy là phương tiện chính.
Theo tôi, cũng không riêng gì Việt Nam, ở các nước Đông Nam Á, để thay xe máy bằng phương tiện khác chắc còn lâu và khó lắm.
Nhật Bản là quốc gia phát triển xe máy hàng đầu thế giới, nhưng thống kê không có nước này. Các nước trên thế giới có tỉ lệ hộ gia đình dùng xe máy nhiều nhất vẫn là Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia…
Giá cả phù hợp, tiện lợi
Đã từ lâu xe gắn máy hay xe máy là phương tiện di chuyển quá phổ biến và thân thiết với mọi người Việt Nam. Từ thành thị đến nông thôn, nghèo giàu, quan dân, nam phụ lão ấu đều chạy được tuốt.
Ngoài ra giá cả, chi phí của xe máy phù hợp túi tiền, khả năng mọi gia đình, từ tiền mua xe, sửa xe đến tiền đổ xăng chạy. Đủ hạng xe cho mọi người, từ xe cho bác xe ôm đến xe cho dân chơi hầm hố; xe nhập từ đủ các nước, có đủ cả các đời.
Kế đến xe máy dễ sử dụng, có dòng xe không cần bằng lái hoặc cũng dễ lấy bằng, nhiều người sử dụng chung, chở gì cũng được (trừ những món cồng kềnh mất an toàn).
Cái lợi của xe máy còn là đi đâu cũng gọn, cũng nhanh. Xe càng cổ càng có giá, ít hư hỏng lặt vặt tốn tiền, xài cả chục năm không xi nhê, nhét cất đâu cũng được.
Còn rất nhiều cái hay nữa không thể nào kể ra hết được.
Tóm lại, lý do khiến người dân chọn xe máy làm phương tiện di chuyển trong sinh hoạt sinh kế, chính là yếu tố tài chính kinh tế, tính thuận lợi cơ động linh hoạt đa dụng và phù hợp với hình thái đô thị nhiều đường nhỏ.
Trước đây, có ý kiến cho rằng do có quá nhiều xe máy nên các đô thị lớn thường bị kẹt xe. Theo tôi, nhận định này không đúng. Kẹt xe là do phá vỡ quan hệ cung cầu và là quy luật phát triển tất yếu. Nhiều nghiên cứu thế giới và tại Việt Nam cho thấy nhận định này hoàn toàn đúng.
Giải pháp tốt nhất là thay xe máy bằng hệ thống metro, nhưng trong tình hình hiện nay vẫn phải chờ. Khi có hệ thống giao thông công cộng tốt, rộng khắp và tiện lợi thì tự nhiên sẽ hạn chế được xe máy.
Thay đổi hạ tầng sẽ thay đổi thói quen
Xung quanh câu chuyện người Việt chuộng xe máy, tôi cũng nghĩ đó là vì sự tiện lợi và thói quen, chứ không phải là mê xe máy nghĩa là quay lưng với các phương tiện giao thông công cộng.
Ai lại không muốn mỗi buổi sáng từ nhà đi bộ rồi bước lên tàu điện ngầm, ngồi đọc báo, nghe nhạc… rồi đến công ty làm việc, thay vì phải hai tay lái xe gắn máy, chạy xe trong môi trường ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn!
Nhưng môi trường đô thị Việt Nam nói riêng, muốn như vậy có được đâu.
Và đây cũng là lý do các giải pháp kêu gọi hạn chế xe máy, tăng xe công cộng đến giờ cũng chỉ là kêu gọi mà thôi.
Phải thay đổi hạ tầng trước, rồi đầu tư phương tiện công cộng, thói quen đi xe máy sẽ tự thay đổi thôi.
Bạn đọc Khai Phong