Chiều 21-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Ngân hàng chung tay cùng người dân, doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho hay hội nghị này đánh giá chính sách tiền tệ, nhất là ưu tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, cần có ý kiến về điều hành chính sách vĩ mô, gồm các vấn đề liên quan thanh khoản, lãi suất, tỉ giá, room tín dụng; tình hình tăng trưởng tín dụng và lãi suất.
Đặt trong bối cảnh cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân, doanh nghiệp, làm ngưng trệ sản xuất, kinh doanh cũng ảnh hưởng lớn kinh tế vĩ mô. Do đó Thủ tướng mong các ngân hàng đề xuất các chính sách mới thích ứng tình hình; đối với những người bị thiệt hại trong cơn bão lũ thì cần có giải pháp gì?
Ngân hàng cần hiến kế các giải pháp liên quan tăng trưởng tín dụng, lãi suất hợp lý với tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, hài hoà lợi ích, “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” để không ai bị bỏ lại phía sau. Trong lúc đất nước khó khăn, ngân hàng cần có sự chia sẻ, nhất là lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Tinh thần của hội nghị Trung ương 10 Khoá XIII với quyết tâm đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, phân cấp, phân quyền, địa phương quyết định, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, ông yêu cầu cần quyết tâm xoá bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết trong điều hành chính sách đã ổn định lãi suất điều hành, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, ngân hàng tiết giảm chi phí, chuyển đổi số mạnh mẽ, công khai lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân tiếp cận. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ tiếp tục giảm mạnh, đến tháng 8-2024 ở mức 8,18%/năm, giảm hơn 1%/năm so với cuối năm 2023.
Dư địa tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tư nhân còn lớn
Trong đó, lãi suất cho vay bình quân của nhóm ngân hàng tư nhân ở mức 9,17%/năm, giảm khoảng 0,96%/năm. Ngân hàng Nhà nước đánh giá, mặc dù tiếp tục xu hướng giảm, nhưng lãi suất cho vay bình quân của nhóm ngân hàng tư nhân vẫn cao hơn mức bình quân toàn hệ thống (8,18%/năm) và nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (6,79%/năm).
Điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp, hấp thu các củ sốc bên ngoài. Tỉ giá USD/VND có xu hướng giảm nhờ tâm lý thị trường tích cực, cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước được cải thiện, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Mức mất giá của VND phù hợp xu hướng chung, ở mức trung bình và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới,
Đến ngày 17-9, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,38% so với cuối năm 2023 (cao hơn mức 5,73% của cùng kỳ năm 2023). Các ngân hàng còn khá nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng để có thể cung cấp vốn cho nền kinh tế; trong đó nhóm ngân hàng tư nhân phần lớn sử dụng chưa đến 70% chỉ tiêu được giao.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cải thiện, đạt trên 14,5 triệu tỉ đồng, tăng 7,38% so cuối năm 2023. Tăng trưởng tín dụng đối với các ngành đều được cải thiện, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hưởng chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trong đó, tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất, tiếp đến là ngành công nghiệp và xây dựng và nông, lâm, thủy sản. Với khối ngân hàng tư nhân, có khoảng 50% dư nợ ngành thương mại và dịch vụ.
Tổng tài sản của 28 ngân hàng thương mại cổ phần đến thời điểm 30-6 đạt 9,3 triệu tỉ đồng, chiềm 45% thị phần, trong đó có 22 ngân hàng quy mô tài sản trên 100.000 tỉ đồng. Tổng nguồn vốn huy động của khối ngân hàng thương mại cổ phần đạt 8,7 triệu tỷ đồng, tăng 5,44% và chiếm 46,1% thị phần. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt khá…
Tuy vậy, hoạt động của các ngân hàng thương mại cũng gặp những khó khăn, hạn chế liên quan nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất, áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao,