Theo Hãng tin Reuters ngày 24-9, động thái tăng tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc được xem là bước khởi đầu nhằm khắc phục tình trạng quỹ hưu trí bị thâm hụt và củng cố lực lượng lao động đang dần thu hẹp.
Theo quyết định được đưa ra, đối với đối tượng công chức, tuổi nghỉ hưu của nam giới sẽ tăng từ 60 tuổi lên 63 tuổi, nữ giới từ 55 tuổi lên 58 tuổi.
Nhóm nữ lao động chân tay là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi quyết định trên, khi thay vì có thể nghỉ hưu ở tuổi 50, giờ họ sẽ phải chờ đến đủ 55 tuổi.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết cải cách này là ‘bước đi quan trọng’ để cải thiện hệ thống an sinh xã hội quốc gia và giúp ‘bảo vệ cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân’.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế và nhân khẩu học đã đưa ra lời cảnh báo rằng đất nước tỉ dân này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước khi nền kinh tế phát triển chậm lại.
Tầng lớp lao động ở Trung Quốc bày tỏ lo lắng đối với những thay đổi về độ tuổi nghỉ hưu khi các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với sự chênh lệch lớn giữa quỹ hưu trí ở nông thôn và thành phố, cũng như tỉ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên.
Hiện hệ thống lương hưu cơ bản do nhà nước Trung Quốc quản lý đang phải chịu áp lực tài chính lớn khi khoảng một phần ba các khu vực cấp tỉnh đang bị thâm hụt ngân sách hưu trí.
Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ước tính hệ thống lương hưu sẽ hết khả năng chi trả vào năm 2035 nếu không thực hiện cải cách.
Nhà phân tích người tiêu dùng Trung Quốc Ernan Cui cho biết tác động tài chính từ việc nâng độ tuổi nghỉ hưu sẽ không mạnh mẽ ngay lập tức. Việc thay đổi này sẽ không tạo ra một nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước ngay từ đầu.
“Nâng độ tuổi nghỉ hưu có thể chỉ mang lại lợi ích tài chính hạn chế vào thời điểm hiện tại”, bà khẳng định.
Theo nhà phân tích tại tập đoàn Moody’s Ratings John Wang, luật mới có thể gây ra rủi ro xã hội do những thách thức về dân số và bất bình đẳng thu nhập của Trung Quốc.
“Việc thực hiện thành công các cải cách tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc quản lý rủi ro… chẳng hạn như kỹ năng của những người lớn tuổi, các công việc có sẵn và khả năng thích ứng của họ với sự phát triển của công nghệ và đổi mới”, ông cho biết.
Dân số già là vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc
Dù già hóa dân số là hiện tượng toàn cầu và không diễn ra ở riêng quốc gia nào, nhưng vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Quốc do chính sách một con đã kéo dài suốt 30 năm qua và làm trầm trọng thêm những thách thức về nhân khẩu học của quốc gia.
Số lượng trẻ em sinh ra ở Trung Quốc đã giảm còn 9 triệu vào năm ngoái. Liên Hiệp Quốc dự báo dân số trong độ tuổi lao động của đất nước này sẽ giảm gần 40% vào năm 2050 so với năm 2010 nếu tỉ lệ sinh vẫn giữ nguyên như mức hiện tại.