Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần thứ hai năm 2024 do thành phố tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác” diễn ra từ ngày 23 đến ngày 24-9-2024.
Sự kiện nhằm thúc đẩy quan hệ giữa TP.HCM với các thành phố trên thế giới, cũng là dịp quảng bá đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè các nước.
Phiên hội nghị thị trưởng các thành phố diễn ra sáng 24-9 có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Nên – ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Nguyễn Minh Hằng – thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Phan Văn Mãi – chủ tịch UBND TP.HCM và hơn 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP.HCM.
Chuyển đổi công nghiệp để phát triển bền vững
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi cho biết chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TP.HCM và các đô thị trên toàn thế giới. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, thành phố buộc phải đổi mới và thích ứng.
Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TP.HCM được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu.
Về khía cạnh nội tại, để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TP.HCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.
Theo thống kê, hiện tại tỉ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của thành phố. Mục tiêu của TP.HCM là nâng tỉ trọng này lên 40% vào năm 2030, qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của thành phố trong cả nước và khu vực.
Về xu hướng toàn cầu, thị trường quốc tế đang có sự thay đổi mạnh mẽ, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Trong bối cảnh đó, TP.HCM đã áp dụng chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, nhằm xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương.
Thành phố cũng đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh và công nghệ sản xuất tiên tiến, nhằm nâng cấp chuỗi giá trị.
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng lịch sử chuyển đổi công nghiệp trên toàn cầu cho thấy để đón đầu những thành công, các nước cần có tư duy phát triển và cách tiếp cận mới để kịp thời thích ứng với thay đổi.
“Bài học thành công của một số nước công nghiệp hóa đi sau cũng khẳng định, nhất thiết phải chú trọng đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực, coi công nghệ và phát triển nguồn nhân lực là con đường chủ đạo để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, coi con người là nhân tố trung tâm của công cuộc chuyển đổi công nghiệp”, bà Nguyễn Minh Hằng chia sẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết trong phát triển. “Chúng ta không thể thực hiện các mục tiêu cao cả về phát triển và thịnh vượng chung trên toàn cầu nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế trong sáng”, bà phát biểu.
Hợp tác cùng nhau phát triển
Ông Stefano Lo Russo – thị trưởng thành phố Torino, Ý – nhấn mạnh vai trò của các thành phố trong quan hệ quốc tế ngày càng trở nên quan trọng. Trong thời đại có những thách thức toàn cầu chưa từng có, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, quá trình chuyển đổi sinh thái và sự chuyển đổi của các mô hình công nghiệp, các thành phố đã trở thành trung tâm của các mô hình hợp tác mới.
“Chúng tôi tin rằng các thành phố, đôi khi thậm chí còn hơn cả chính các quốc gia, có thể đối mặt với những thách thức toàn cầu một cách nhanh chóng và hiệu quả. Điều này là do các thành phố gần gũi với người dân, hiểu được những vấn đề hằng ngày của họ và có thể hành động nhanh chóng để xây dựng các chính sách có mục tiêu.
Các thành phố là nơi thử nghiệm đổi mới thực sự, các giải pháp cho các vấn đề toàn cầu. Do đó, sự hợp tác giữa các thành phố trở thành động lực cơ bản cho sự phát triển kinh tế và xã hội”, ông Lo Russo nói.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Komura Masahiro cũng đánh giá sự phát triển của TP.HCM đã biến thành phố thành thị trường thu hút, với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có mặt tại đây.
Ông Masahiro khẳng định việc giao lưu giữa các địa phương rất quan trọng và Đối thoại Hữu nghị TP.HCM có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy hợp tác.
TP.HCM là đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế của cả nước, trung tâm kinh tế – văn hóa – khoa học kỹ thuật và đầu mối giao lưu quốc tế của Việt Nam.
Năm 2023, kinh tế TP.HCM đóng góp hơn 20% GDP và 25% ngân sách cả nước, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 40% doanh nghiệp cả nước, đồng thời là địa phương dẫn đầu về thu hút FDI với tổng vốn đăng ký đạt 6,6 tỉ USD.
TP.HCM đang triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, khoa học công nghệ và các ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Thông qua Đối thoại Hữu nghị gắn liền với Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm nay, thành phố mong muốn tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về hiện trạng và xu hướng chuyển đổi công nghiệp hướng đến phát triển bền vững trên thế giới.
Trong đó chú trọng những bài học kinh nghiệm và đề xuất khả thi có thể áp dụng đối với thực tiễn của thành phố, cũng như các phương hướng và giải pháp mà thành phố có thể theo đuổi để thúc đẩy hợp tác phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, nâng tầm công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế cấp địa phương.
Hiện tại, TP.HCM đã được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá về tăng trưởng, trong đó có ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển một số cơ sở hạ tầng trọng điểm như hệ thống 180km đường sắt đô thị và các công trình TOD phụ cận, cảng trung chuyến quốc tế Cần Giờ, khu công nghệ cao… và đặc biệt là Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM, hiện đang được các sở, ngành thành phố khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng.