Vậy đâu là những lý do chủ yếu dẫn đến đạp nhầm chân ga khi lái xe?
Trạng thái tâm lý khiến người lái đạp nhầm chân ga
Lái xe mất tập trung do sử dụng điện thoại, nói chuyện với hành khách hoặc nghe nhạc lớn là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn. Lúc này, tài xế dễ mắc sai lầm cũng như chậm trễ trong thao tác, phản ứng, bao gồm đạp nhầm chân ga.
Tương tự, lo lắng, căng thẳng hay bực bội cũng làm giảm khả năng tập trung và phán đoán khi lái xe.
Một số người dễ bị mất bình tĩnh, hoảng loạn khi gặp tình huống bất ngờ hoặc nguy hiểm, dẫn đến phản xạ không kiểm soát và đạp nhầm chân ga.
Sức khỏe và tuổi tác
Các vấn đề sức khỏe như đau khớp, viêm cơ, hoặc bệnh thần kinh ngoại biên làm giảm khả năng di chuyển, cảm nhận và kiểm soát bàn đạp của tài xế.
Tình trạng cơ thể mệt mỏi hoặc sử dụng bia, rượu, ma túy hay bị ảnh hưởng của một số loại thuốc trị bệnh gây buồn ngủ sẽ khiến cho con người phản ứng chậm chạp, thái quá và nhầm lẫn không chỉ trong khi lái xe.
Tuổi tác cũng có ảnh hưởng tương tự. Người cao tuổi có xu hướng phản ứng chậm hơn và dễ mắc lỗi đạp nhầm chân ga do suy giảm về nhận thức và thể chất. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ lỗi ở nhóm này cao gấp hai đến ba lần so với người trẻ tuổi.
Những kỹ năng và thói quen nguy hiểm
Tài xế mới thường chưa quen với việc kiểm soát các bàn đạp, dẫn đến đạp nhầm khi gặp phải tình huống khẩn cấp hoặc bất ngờ.
Tư thế lái xe không đúng, như ngồi quá xa hay quá gần bàn đạp đều làm cho bàn chân khó di chuyển linh hoạt giữa chân ga và chân phanh. Điều này làm tăng khả năng đạp nhầm, đặc biệt là khi xoay phần trên cơ thể để quan sát hay thao tác.
Tập luyện không đúng cách sẽ làm cho người lái xe có thói quen xấu như dùng chân phải đạp ga và chân trái đạp phanh hoặc đặt chân lên bàn đạp phanh khi không cần thiết, dẫn đến nhầm lẫn khi cần phanh gấp.
Sử dụng giày, dép không phù hợp là một nguyên nhân dễ nhận ra. Mang giày cao gót, dép lê hoặc giày có đế trơn làm tài xế khó cảm nhận đúng vị trí của bàn đạp, dẫn đến đạp nhầm.
Do cả vấn đề kỹ thuật của xe
Trong một số mẫu xe, chân ga và chân phanh có thể có hình dạng hoặc vị trí tương tự nhau, hay khoảng cách giữa bàn đạp ga và phanh quá gần, gây nhầm lẫn cho người lái, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp.
Chân ga quá nhạy có thể khiến xe tăng tốc đột ngột khi người lái xe chỉ định đạp nhẹ, gây nguy hiểm.
Các loại xe khác nhau thường khác nhau về bố trí bàn đạp và có cảm giác lái khác nhau. Khi chuyển từ lái loại này sang loại khác có thể khiến tài xế nhầm lẫn và gặp khó khăn trong việc điều chỉnh, từ đó dẫn đến đạp nhầm.
Sử dụng hệ thống lái tự động (cruise control) khiến người lái xe dễ trở nên lơ là, mất cảnh giác. Khi cần can thiệp khẩn cấp, có thể sẽ không phản ứng kịp thời và nhầm lẫn giữa bàn đạp ga và phanh.
Những lý do nhỏ nhặt nhưng tác hại lớn
Vật dụng nhỏ như chai nước, túi xách, lốc khăn giấy rơi xuống hoặc thảm sàn xe bị lệch có thể cản trở thao tác bàn đạp, dẫn đến việc đạp nhầm chân ga.
Khi đi trong mưa lớn, tuyết rơi, hoặc đường trơn rồi vào xe, độ bám của đế giày với bàn đạp có thể bị giảm đi và ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát xe của tài xế.
Những yếu tố bên ngoài như âm thanh lớn, ánh sáng mạnh, hoặc va chạm bất ngờ với các vật thể có thể khiến tài xế bị mất tập trung và phản ứng vội vàng, từ đó dẫn đến sai sót trong thao tác với bàn đạp.
Tóm lại, đạp nhầm chân ga có nhiều nguyên nhân và có thể xảy ra do một hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp cùng lúc.
Những nguyên nhân này sẽ xuất hiện với số lượng và mức độ ảnh hưởng khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm giao thông nói chung. Ví dụ như tại Mỹ, phần lớn các vụ tai nạn do đạp nhầm chân ga xảy ra ở tốc độ thấp và trong các tình huống chuyển từ trạng thái đỗ sang tiến hoặc lùi xe.
Do vậy, cần phải có sự nghiên cứu theo từng quốc gia, địa phương để xác định các nguyên nhân chủ yếu. Đáng tiếc là hiện chưa có nghiên cứu nào tại nước ta về vấn đề này.
Để không đạp nhầm chân ga khi lái xe:
– Luôn giữ bình tĩnh và tập trung
– Thực hành thường xuyên để nâng cao kỹ năng và phản xạ
– Điều chỉnh tư thế ngồi đúng, thoải mái
– Không đặt chân lên bàn đạp phanh khi không cần thiết
– Tuyệt đối không dùng chân trái để đạp phanh, chân phải đạp ga
– Đi giày, dép phù hợp
– Không lái xe khi sử dụng rượu, bia, ma túy hay thuốc gây buồn ngủ
– Sử dụng các công nghệ an toàn trên hiệu quả.