Theo báo cáo, cảng hàng không Phù Cát được xây dựng từ những năm 1960 – 1970, bắt đầu khai thác hàng không dân dụng từ năm 1985.
Sau 60 năm sử dụng, đường cất hạ cánh duy nhất đã xuống cấp, sức chịu tải thấp dẫn đến chỉ bảo đảm khai thác giảm tải các loại tàu bay như A320/321 và tương đương.
Sân đỗ máy bay đáp ứng 7 vị trí đỗ, nhà ga hành khách và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng công suất thiết kế khoảng 2 triệu hành khách/năm.
Quy hoạch sân bay Phù Cát thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bổ sung đường cất hạ cánh số 2 chủ yếu để khai thác hàng không dân dụng, xây dựng thêm chỗ đỗ máy bay, mở rộng nhà ga hành khách, bố trí lại khu hàng không dân dụng và quân sự…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết sân bay Phù Cát có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch, thu hút các nhà đầu tư đến địa phương. Tuy nhiên, hiện trạng của cảng hàng không Phù Cát lại đang là điểm nghẽn cần được tháo gỡ.
“Cấp bách nhất hiện nay là xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay, với tổng mức đầu tư khoảng 3.013 tỉ đồng”, ông Tuấn nêu vấn đề.
Theo đó, chủ tịch tỉnh Bình Định kiến nghị được sử dụng vốn ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng, di chuyển các công trình hạ tầng (khoảng 1.008 tỉ đồng); chuẩn bị các thủ tục đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2.
Cho ý kiến, lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính đã trao đổi, phân tích cơ sở pháp lý, quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách, hàng không… với dự án.
Trên cơ sở các ý kiến, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào thẩm quyền, quy định của pháp luật hàng không dân dụng; phối hợp với các bộ ngành trên để tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ông Hà cũng giao tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 của cảng hàng không Phù Cát, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay.