Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa tổ chức chương trình tìm hiểu chuyên sâu về bảo hiểm nhân thọ vào hôm nay 28-9.
Mua theo năng lực tài chính và nhu cầu, không chờ lúc quá trễ mới tìm hiểu
Ông Ngô Trung Dũng – phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam – cho biết tại Việt Nam có xấp xỉ 12 triệu hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực, giảm so với cùng kỳ năm trước.
Lượng hợp đồng trên tương đối thấp so với quy mô dân số hơn 100 triệu dân. Trong khi theo chiến lược phát triển đã được Thủ tướng phê duyệt, phấn đấu sang năm sau có 15% dân số nước ta tham gia bảo hiểm nhân thọ và 18% vào năm 2030.
Theo thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt gần 64.100 tỉ đồng (+16% so với cùng kỳ năm trước). Riêng bảo hiểm nhân thọ đóng góp khoảng 73%, còn lại là phi nhân thọ.
Nhờ mua bảo hiểm nhân thọ, nhiều người có nguồn tiền để điều trị, vượt qua ốm đau. Trong trường hợp chẳng may qua đời, tiền bồi thường bảo hiểm góp phần nào an ủi, san sẻ khó khăn, giúp cho người thân vững vàng bước tiếp quãng đường phía trước.
“Tuy nhiên không phải ai cũng mua được bảo hiểm”, ông Ngô Trung Dũng nói, sau khi lắng nghe khách mời tham dự sự kiện chia sẻ về trường hợp cụ thể.
Qua tìm hiểu, để được doanh nghiệp bán bảo hiểm cho, khách hàng thường phải thỏa các điều kiện về: độ tuổi tham gia (phổ biến từ 0 – 60 tuổi), điều kiện sức khỏe (có thể bị từ chối bảo hiểm đối với một số bệnh lý nghiêm trọng có sẵn).
Ngoài ra, một số quyền lợi cũng yêu cầu tuân thủ “thời gian chờ”, tính từ ngày hiệu lực hợp đồng đến ngày tới khám bác sĩ. Chẳng hạn, quyền lợi nằm viện (30 ngày), quyền lợi thai sản (270 – 365 ngày). Nếu có rủi ro phát sinh trước mốc trên, công ty bảo hiểm không chịu trách nhiệm chi trả quyền lợi.
Chưa kể, mua khi tuổi càng lớn, mức phí phải đóng càng cao. Đó là lý do người dân được khuyến khích tham gia càng sớm càng tốt.
Cả công ty bảo hiểm và khách đều phải trung thực tuyệt đối
Đóng vai trò quan trọng về ổn định an sinh xã hội, giúp nhiều người vượt qua giai đoạn biến cố, nhưng thời gian qua thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng gặp không ít điều tiếng. Đặc biệt với các phản ánh về việc không tư vấn đầy đủ và minh bạch, “quẹo” từ tiền gửi tiết kiệm sang bảo hiểm nhân thọ…
Ông Ngô Trung Dũng cho biết để tạo ra hàng rào tốt hơn, giảm rủi ro cho khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực chuyển đổi số. Điển hình là cho khách định danh điện tử, xác minh nhu cầu muốn mua bảo hiểm thực sự hay không, bên cạnh các hình thức khác. Doanh nghiệp cũng tìm cách đơn giản hóa các nội dung trong hợp đồng.
Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 67, quy định đối với sản phẩm bảo hiểm phức tạp như bảo hiểm liên kết đầu tư, đại lý phải ghi âm quá trình tư vấn. Tuy nhiên, khách hàng có thể chủ động ghi âm riêng.
Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho hay cả công ty bảo hiểm và bên mua đều phải thực hiện nguyên tắc: trung thực tuyệt đối.
Về nghĩa vụ, phía doanh nghiệp phải cung cấp cho khách hàng các tài liệu liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời phải giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm và điều khoản loại trừ… Công khai thông tin, tài liệu (báo cáo tài chính, báo cáo tình hình hoạt động của quỹ…) đúng quy định pháp luật.
Bản thân bên mua cũng phải kê khai đầy đủ và trung thực, đọc và hiểu rõ điều kiện, điều khoản, quyền, nghĩa vụ… Lưu ý, khách hàng có 21 ngày tìm hiểu, cân nhắc sẽ hủy hay tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm.
93.800 tỉ đồng doanh thu bảo hiểm nhân thọ
Về tổng quan thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, có hơn 1 triệu hợp đồng được khai thác mới (giảm 19% so với cùng kỳ năm trước), tương ứng tổng doanh thu hơn 15.900 tỉ đồng (-17%). Các doanh nghiệp tốp đầu gồm: Bảo Việt Nhân Thọ, Prudential, Dai-ichi Life, Manulife và FWD.
Xét về loại hình, bảo hiểm liên kết đầu tư và bảo hiểm tử kỳ đứng tốp đầu, với tỉ lệ khoảng 58% và 31%. Phần còn lại thuộc về bảo hiểm hỗn hợp và các sản phẩm bảo hiểm khác (sức khỏe, bảo hiểm hưu trí, trọn đời).
Tính đến cuối tháng vừa qua, tổng doanh thu phí trên toàn thị trường ước đạt gần 93.800 tỉ đồng (-7%). Bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm hỗn hợp giữ tỉ trọng hàng đầu.