Ngày 30-9, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho biết cơ quan chức năng đã làm việc với người chăn nuôi bò sữa có bò bị chết, bị bệnh do tiêm vắc xin của Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương Navetco (Navetco), để thỏa thuận phương án bồi thường.
Đền bù bò sữa kiểu cân ký
Navetco là đơn vị cung cấp vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục Navet-LPVac (được kết luận là nguyên nhân chính khiến bò sữa nhiễm bệnh tiêu chảy) đã đưa ra mức bồi thường cho người có bò sữa chết, bò sữa bị bệnh, nhưng người dân không đồng thuận.
Đối với bò sữa bị chết, Navetco đưa mức bồi thường 55.000 đồng/kg bò hơi; 60.000 đồng/kg bò hậu bị (những con bò đực và cái tốt nhất từ 13 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi – PV) mang thai; 65.000 đồng/kg bò sinh sản không mang thai và 70.000 đồng/kg đối với bò sinh sản mang thai.
Đối với bò chết do hộ chăn nuôi tự xử lý, có xác nhận của chính quyền địa phương, mức hỗ trợ là 7 – 10 triệu đồng/con.
Navetco cũng đưa ra mức hỗ trợ chi phí điều trị, chi phí thiệt hại từ 1 – 6 triệu đồng/con đối với bò sữa bị bệnh. Thời điểm tính bồi thường hỗ trợ được xác định từ ngày phát sinh ca bệnh đầu tiên đến ngày 26-9.
Tại buổi làm việc với người chăn nuôi bò sữa, bà Nguyễn Thị Kim Lan – tổng giám đốc Navetco – gởi lời xin lỗi đến người chăn nuôi có đàn bò bị ảnh hưởng. Phía công ty cũng đưa ra thời gian chi trả thành 2 lần.
Bà Lan cho rằng phương án trên được đưa ra sau khi đã tìm hiểu, cân nhắc phương án khắc phục sự cố dựa trên các thông tin và tư vấn thực tế từ các công ty chăn nuôi và các hộ chăn nuôi trên địa bàn, cũng như các đơn vị tư vấn. Đồng thời, cũng xét khả năng tài chính và phương án khả thi cao nhất mà công ty có thể thực hiện.
Nông dân nuôi bò sữa sẵn sàng khởi kiện
Nông dân nuôi bò sữa ở Lâm Đồng cho rằng mức đền bù quá thấp, chưa phản ánh đúng thiệt hại trong vụ việc.
Ông Nguyễn Đình Sơn (thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) có 4 con bò sữa đang trong giai đoạn cho sữa bị chết, bức xúc nói cách tính của Navetco không đúng với thiệt hại tối thiểu của nông dân.
“Người nuôi bò sữa thu hoạch 2 thứ: sữa bò và thịt bò sau khi không còn lấy sữa. Công ty cung cấp vắc xin bị lỗi làm bò bị chết, bị bệnh xong đền bù kiểu cân ký xác bò rồi áp giá là không hợp lý, vì chưa tính nguồn tiền đáng lẽ nông dân thu được từ sữa. Ngay cả đơn giá cũng thấp hơn thị trường rất nhiều. Thị trường hiện tại giá bò hơi khoảng 120.000 đồng/kg, trong khi công ty đưa ra giá tối đa chỉ 70.000 đồng/kg” – ông Sơn cho hay.
Tại huyện Đơn Dương, nhiều nông dân nuôi bò sữa yêu cầu công ty không được dùng từ “hỗ trợ” trong các giấy tờ làm việc với người nuôi bò sữa bị thiệt hại, mà yêu cầu nêu đúng bản chất “đền bù thiệt hại”.
Liên quan đến giá trị đền bù, nông dân thống nhất công ty cần phải tính lại cho phù hợp trên cơ sở tính tổng: giá trị đàn bò, giá trị kinh tế bị mất đi do tiêm vắc xin, chất lượng đàn bò bị suy giảm do bị bệnh kéo dài.
“Công ty muốn khấu hao giá trị đàn bò sữa để đền bù cũng hợp lý, nhưng nên có cơ sở để tính cho công bằng. Chúng tôi sẵn sàng khởi kiện nếu công ty áp giá đền bù vô lý như hiện nay”, anh Nguyễn Duy Thành (huyện Đơn Dương) cho biết.
Ông Phạm Phi Long – chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng – cho biết do người dân không đồng thuận mức bồi thường nêu trên nên cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đề nghị Navetco xem xét, điều chỉnh, sớm bồi thường cho người dân.
Tỉ lệ bò mắc bệnh, chết sau tiêm rất cao
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, từ cuối tháng 7-2024 đến nay, nhiều khu vực nuôi bò sữa thuộc hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương xuất hiện tình trạng bò sữa sau khi tiêm vắc xin viêm da nổi cục đã bỏ ăn, bị tiêu chảy ra máu rồi chết.
Theo Cục Thú y, nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng là do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC của Công ty Navetco.
Đến nay, có khoảng hơn 10.000 liều đã được tiêm trên đàn bò sữa và tính đến ngày 30-9, toàn tỉnh Lâm Đồng có 7.375 con bò bệnh; 550 con đã bị chết; 6.641 con đã hồi phục. Hiện còn 184 con mắc bệnh đang được theo dõi, điều trị. Như vậy tỉ lệ mắc bệnh – chết sau tiêm hơn 73%.