Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Hải quan, 9 tháng qua Việt Nam bán hơn 200.000 tấn hồ tiêu ra thị trường, thu về hơn 1 tỉ USD, tăng gần 47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, do giá bán tăng cao ở mức bình quân gần 4.950 USD/tấn.
Riêng tháng 9, giá hồ tiêu xuất khẩu đạt đến 6.239 USD/tấn.
Trong khi đó, năm 2023 xuất khẩu hồ tiêu chỉ mang về 912 triệu USD, với mức 3.420 USD/tấn.
Ghi nhận thị trường thế giới, những ngày cuối tháng 9 Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Việt Nam ở mức 6.800 USD/tấn loại 500g/l; cao hơn 7.100 USD/tấn với loại 550g/l; giá tiêu trắng ở mức hơn 10.000 USD/tấn.
Ở thị trường trong nước, hôm nay giá hồ tiêu dao động 148.000 – 149.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, thương lái thu mua với giá 148.500 đồng/kg, Đắk Nông 149.000 đồng/kg, Gia Lai 148.000 đồng/kg. Bình Phước cũng đang có mức 148.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với chiều qua.
Là doanh nghiệp lớn trong xuất khẩu gia vị như tiêu, quế…, trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 1-10, ông Phan Minh Thông, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh, nhìn nhận ngành hồ tiêu Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu ở mức cao do nguồn cung hạn chế.
Ông Thông cho biết công ty đang xuất khẩu tiêu sang hơn 100 thị trường, nhất là thị trường châu Âu, chiếm 8% thị phần xuất khẩu hồ tiêu trên toàn cầu. Riêng hồ tiêu sấy lạnh, sốt tiêu xanh công ty này chiếm khoảng 40% thị phần toàn cầu. Năm nay doanh nghiệp cũng mang lại nhiều kết quả kinh doanh tươi sáng.
“Về phía nông dân, đây là năm nông dân trồng tiêu rất hạnh phúc vì giá bán tăng quá cao. Từ 87.000 đồng/kg tháng đầu năm đến 150.000 đồng/kg như hiện nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu không mua được nhiều tiêu trong nước, như năm nay chúng tôi phải nhập tiêu rất nhiều từ Brazil và Indonesia.
Tiêu được bà con giữ lại đầu cơ, và cũng ít vì sản lượng hồ tiêu Việt Nam trong vụ mùa 2025 dự kiến giảm, chưa kể hạn hán kéo dài khiến nguồn cung hồ tiêu ngày càng khó khăn”, ông Thông nói.
Theo báo cáo của Nedspice (một công ty của Hà Lan, hoạt động trên toàn thế giới trong việc tìm nguồn cung ứng, chế biến và phân phối các loại gia vị, thảo mộc và rau củ khô), xuất khẩu hồ tiêu chế biến của Việt Nam tăng hơn 50% so với năm ngoái và hồ tiêu Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng giá mới sau nhiều năm trầm lắng.
Sau một thập kỷ, hồ tiêu Việt Nam mới gia nhập lại “câu lạc bộ tỉ đô”
Năm 2014, năm đầu tiên xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vào “câu lạc bộ tỉ đô”, cụ thể kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỉ USD. Năm 2015, giá hồ tiêu đạt đỉnh lịch sử, 230 triệu đồng/tấn.
Từ năm 2016 hồ tiêu rớt giá thê thảm, dưới giá thành cho nông dân ồ ạt tăng diện tích, sản lượng tăng, cung vượt cầu. Vì thế “thành viên” mang chiếc áo xuất khẩu tỉ đô chỉ duy trì được 4 năm, từ năm 2014 đến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu các năm sau chỉ dao động 700-800 USD.
Từ 2017 đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chỉ ở mức trên dưới 900 triệu USD.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) ước tính sản lượng tiêu năm 2024 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm trước. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2024 dự kiến đạt 465.000 tấn.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dự kiến đạt 529.000 tấn.