Bà Trần Thị Dương – 62 tuổi – rơm rớm nước mắt nói về con. Ngồi cạnh bà, cậu tân sinh viên nghèo Trần Văn Dũng lòng nặng trĩu nỗi buồn, khi ngày nhập học cận kề nhưng hai mẹ con chưa biết xoay xở đâu ra khoản tiền hơn 15 triệu đồng học phí.
Đứa con ‘xin’ ở tuổi muộn mằn lớn lên trong túp lều nhỏ
Căn nhà tình thương của mẹ con Dũng nằm cạnh cánh đồng ở đầu làng thôn Nhân Hậu, xã Hùng Tiến, Nam Đàn (Nghệ An). Chúng tôi ghé nhà Dũng khi cơn bão số 4 và đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ngập lụt vừa đi qua. Dấu bùn non của đợt mưa lũ rút xuống vẫn còn in hằn trên bức tường loang lổ.
Trong căn nhà lợp bằng mái tôn ẩm thấp, Dũng lúi húi mở túi thuốc đưa cho mẹ uống đúng giờ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Giữa gian chính ngôi nhà vừa đủ kê một chiếc giường làm nơi bà Dương nằm điều trị cũng từng là góc học tập của Dũng.
“Mấy hôm trước trên đường đi từ ngoài đồng về, mẹ tôi bị ngã xe gãy tay” – Dũng kể.
Từ lúc lọt lòng, Dũng đã không có tình thương của cha. Hơn ba mươi năm trước, bà Dương – mẹ Dũng – lúc đó đang là cô thiếu nữ đã chọn rời xa quê hương vào Tây Nguyên lập nghiệp.
Ở vùng đất heo hút, thời gian thấm thoắt trôi nhanh, bà Dương nhận ra mình lỡ thì con gái nên quyết định “xin” một đứa con để có nhau trong đời. 42 tuổi, bà Dương mới sinh Dũng. Đây cũng là lúc bà phát hiện mình mắc nhiều bệnh tiểu đường đa biến chứng, hẹp hở van tim, suy giãn tĩnh mạch hai chân…
Không một tấc đất cắm dùi, cũng không thể kham nổi công việc khi bệnh tật hành hạ nơi đất khách quê người, năm Dũng lên 7 tuổi bà quyết định dắt díu con về quê.
Được bố mẹ cắt một mảnh đất nhỏ trong vườn, bà Dương dựng tạm túp lều nhỏ để hai mẹ con nương náu. Bà Dương nhớ lại những ngày đầu về quê, hai mẹ con thui thủi chịu không ít lời bàn tán dị nghị của chòm xóm.
Những tấm giấy khen, giấy chứng nhận học bổng là “gia tài” của mẹ con Dũng. Chính nhờ các suất học bổng năm xưa đã giúp Dũng tới trường – Ảnh: DOÃN HÒA
Giúp mẹ từ nhỏ và nằm trong đội tuyển học sinh giỏi
Ngoài giờ học, Dũng phụ mẹ làm hơn một sào ruộng từ vụ lúa đến vụ ngô, trồng thêm rau màu để kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày.
Tối đến, Dũng rọi đèn đi bắt ếch, cua. “Chiến lợi phẩm” mỗi đêm có khi còn thêm ít con ốc, cá… bán được vài chục ngàn đồng, Dũng tiết kiệm để mua sách vở. Dũng đã trải qua những năm tháng ấu thơ trong đói nghèo nhưng “vui và hạnh phúc vì có mẹ ở bên”.
Gần năm cuối THCS của Dũng, bà Dương gặp tai nạn giao thông, gãy nhiều xương phải nằm một chỗ suốt 8 tháng trời, khoản tiền vay ngân hàng để chạy chữa cho bà Dương cứ thế chồng chất thêm.
“Năm đó, tôi đang vào lớp bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh và còn phải thi môn cờ vua ở cấp cụm huyện. Một mình tôi vừa học, vừa bên mẹ chăm sóc suốt 8 tháng. Khoảng thời gian khó khăn ấy, tôi định nghỉ học rồi kiếm việc nào đó làm để lo cho mẹ…”, Dũng nhớ lại.
Biết hoàn cảnh gia đình éo le, Dũng rất ham học và học giỏi suốt 12 năm liền. Ngoài mẹ, Dũng còn bà ngoại năm nay đã ngoài 90 tuổi, sống một mình
Giữa lúc Dũng chênh vênh nhất, các thầy cô tìm đến nhà khi thấy cậu học trò nghèo thường xuyên nghỉ học, mới hay chuyện biến cố đến với hai mẹ con.
Cô Nguyễn Thị Thu – giáo viên Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (huyện Nam Đàn) – nói rằng vẫn nhớ về cậu học trò gặp nhiều bất hạnh nhưng giàu ý chí: “Dũng là học sinh rất sáng dạ và hiếu thảo với mẹ. Em học đều các môn. Chúng tôi không thể để em vì hoàn cảnh éo le quá mà phải bỏ học giữa chừng được”, cô Thu tâm sự.
Nhờ tấm lòng của các giáo viên và phụ huynh trong một đợt phát động gây quỹ ủng hộ toàn trường đã giúp Dũng tiếp tục đến lớp.
12 năm học Dũng đều là học sinh giỏi.
Mẹ nợ ngân hàng 300 triệu, liều vay nóng thêm cho con nhập học
Bốn năm trước, Hội Phụ nữ huyện Nam Đàn hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà tình thương để thay thế cho mái nhà mà mẹ con Dũng ở sắp sập mỗi mùa mưa bão về. Khoản nợ hơn 300 triệu từ ngân hàng để chạy chữa bệnh và xây nhà đến nay mẹ con Dũng vẫn chưa trả hết. Nghe con báo đỗ vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội, bà Dương rớt nước mắt buồn tủi.
Nỗi lo con đường đến trường của Dũng còn dài nhưng tuổi bà càng lớn. Bà Dương quyết định liều đi vay nóng vài triệu đồng của anh em, hàng xóm để con trai nhập học.
Trong hành trang Dũng gói ghém chuẩn bị ra thủ đô nhập học là ít bộ quần áo, đèn học và cả chiếc quạt cũ hỏng vừa được sửa lại. Dũng bảo rằng lần này đi học xa nhà ở phố thị rất tốn kém. Biết gia cảnh mẹ nghèo khổ nên bạn phải học cách tự lập, tiết kiệm chi tiêu.
“Chính những lời động viên, suất học bổng nghĩa tình năm xưa đã tiếp thêm động lực cho tôi đi học. Nếu được nhận học bổng Tiếp sức đến trường, tôi sẽ có tiền đóng học phí kỳ đầu rồi kiếm việc làm thêm khi việc học ổn định để mai sau có tương lai tươi sáng, báo đáp ơn nghĩa sinh thành của mẹ”, Dũng quả quyết.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.