Cấm bàn thu đổi bán ngoại tệ cho người dân
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết theo quy định hiện nay, toàn bộ lượng ngoại tệ thu đổi từ khách hàng, người dân được bán cho ngân hàng theo hợp đồng và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM yêu cầu các ngân hàng có bàn thu đổi ngoại tệ phải đánh giá đầy đủ, toàn diện địa điểm đặt bàn thu đổi ngoại tệ.
Đồng thời phải đưa chỉ tiêu về doanh số và tăng trưởng qua từng năm, đảm bảo hiệu quả, phù hợp thực tế và đáp ứng nhu cầu đổi ngoại tệ của khách du lịch nước ngoài, của người dân, song vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Tránh việc lợi dụng hoạt động thu đổi ngoại tệ để giao dịch, mua bán ngoại tệ tự do, vi phạm pháp luật và gây khó khăn cho hoạt động quản lý.
Trước ngày 10 hằng tháng, các ngân hàng phải báo cáo định kỳ kết quả kiểm tra về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.
“Các ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối cũng phải có biện pháp quản lý, quản trị và kiểm soát được hoạt động của bàn thu đổi ngoại tệ. Đồng thời chịu trách nhiệm pháp lý của tổ chức tín dụng hoạt động ủy quyền nếu bàn thu đổi ngoại tệ vi phạm pháp luật”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Người dân được mua USD khi nào?
Theo quy định hiện nay, các đại lý thu đổi ngoại tệ chỉ được mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân, nhưng không được phép bán USD ngược lại cho người dân.
Chỉ các đại lý đổi ngoại tệ đặt tại khu cách ly ở các cửa khẩu quốc tế được bán ngoại tệ tiền mặt cho người mang hộ chiếu nước ngoài khi xuất cảnh theo quy định.
Với người dân có nhu cầu mua ngoại tệ, ngân hàng chỉ bán với mục đích học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng, trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài, trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài, chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài, chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài, chuyển tiền một chiều cho nhu cầu hợp pháp khác và phải có giấy tờ chứng minh.
Hồi tháng 4, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có văn bản khuyến cáo người dân mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng, không mua bán ở thị trường tự do.
Tuy nhiên theo ghi nhận, do không dễ mua ngoại tệ tại các ngân hàng nên nhiều người đã tìm đến thị trường tự do. Ở chiều ngược lại, khi giá USD tự do chênh cao với ngân hàng, người dân cũng có xu hướng bán ở thị trường tự do để được giá hơn so với bán tại ngân hàng.
Giá USD tự do liên tục lao dốc
Những ngày gần đây, giá USD liên tục lao dốc sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Ngày 2-10, giá USD tự do ở mức 25.051 đồng/USD (bán ra) và 24.951 đồng/USD (mua vào). Như vậy tính từ đầu tuần đến nay, giá USD tự do đã giảm tổng cộng 179 đồng/USD.
Còn so với mức đỉnh 25.950 – 26.030 đồng/USD (mua vào – bán ra) được thiết lập vào ngày 27-6, giá USD tự do đến nay đã giảm 979 đồng/USD ở chiều bán và 999 đồng/USD ở chiều mua vào.