Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 7, tiền gửi của dân cư đạt 6,838 triệu tỉ đồng, tăng 305.672 tỉ, tương ứng với 4,68% so với thời điểm cuối năm 2023.
So với cùng kỳ năm trước, lượng tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng thêm 448.820 tỉ đồng.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tiếp trong suốt hơn 2 năm qua, bất chấp lãi suất huy động giảm sâu.
Về diễn biến lãi suất tiền gửi, sau khoảng 1 năm lãi suất thấp kỷ lục, từ tháng 4 trở lại đây nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng lãi suất huy động.
Như tại VPBank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 và 9 tháng là 5%-5,4%/năm tùy theo món tiền gửi và đối tượng khách hàng. Nếu khách hàng ưu tiên và món tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên thì ngân hàng sẽ trả lãi suất là 5,4%/năm. Còn đối với khách hàng không phải là ưu tiên, các kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng được niêm yết lãi suất là 5,4%/năm và 5,7%/năm.
Hay tại SHB, kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 4,7%/năm, còn kỳ 9 và 12 tháng lần lượt là 4,7%/năm và 5,2%/năm.
Trong khi đó, các ngân hàng có vốn nhà nước vẫn duy trì ổn định lãi suất nhiều tháng qua. Như VietinBank tại thời điểm ngày 2-10, lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,8%/năm được áp dụng cho các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên. Còn các kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, VietinBank vẫn giữ mức 3%/năm trong nhiều tháng nay. Đối với các kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 24 tháng, mức lãi suất tiết kiệm là 4,7%/năm.
Biểu lãi suất tại Vietcombank áp dụng đầu tháng 10 cũng được giữ nguyên như vài tháng trước đó. Đơn cử kỳ hạn 6 và 9 tháng là 2,9%/năm; gửi 12 tháng có lãi suất 4,6%/năm; 24 tháng trở lên được niêm yết lãi suất là 4,7%/năm.
Về tiền gửi của các doanh nghiệp và tổ chức, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7 lượng tiền gửi của khách hàng này vào ngân hàng đạt hơn 6,768 triệu tỉ đồng, có giảm nhẹ 1,07% so với cuối năm ngoái.