Nhóm gồm năm bạn sinh viên Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trương Minh Lộc, Dương Chí Linh (ngành thương mại điện tử), Nguyễn Thị Bích Trâm (ngành công nghệ sinh học) và Phạm Quốc Huy (ngành hóa dược).
Sau 3 tháng nghiên cứu, các bạn đã sản xuất thành công băng gạc y tế sinh học từ lục bình với tên gọi LUCBINHGAUZE.
Bảo vệ môi trường
Lục bình phát triển nhanh ở các con sông tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều khu vực dày đặc dẫn đến việc di chuyển của ghe tàu bị hạn chế. Sức sinh trưởng của loài thực vật thủy sinh này đang tác động tiêu cực đến môi trường nước.
“Với mong muốn giảm thiểu tác động tiêu cực của lục bình nên nhóm quyết định làm băng gạc sinh học từ nguyên liệu này. Chúng tôi đã “hô biến” lục bình thành băng gạc – một thứ không thể thiếu trong ngành y tế.
Đây được xem là hướng đi mới, vừa bảo vệ môi trường vừa giúp ngành y tế trở nên xanh hơn. Bên cạnh đó, dự án này còn tạo thêm nhiều việc làm cho bà con vùng nông thôn” – bạn Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói.
Theo Phạm Quốc Huy, để cho ra những miếng băng gạc đạt chuẩn, nhóm phải đi cắt và sơ chế lục bình, sấy khô, tách chiết lấy cellulose, phối trộn định hình thành gạc y tế. Trong đó, công đoạn chiết tách khó nhất vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, độ chính xác trong quá trình trộn và khử màu.
“Chúng tôi ứng dụng các môn học như hóa hữu cơ, hóa vô cơ, hóa phân tích, sinh học phân tử, vi sinh, nguyên lý kế toán, marketing thương mại điện tử, quản trị học… làm nền tảng kết hợp với việc tìm kiếm tài liệu để hoàn thiện quy trình sản xuất” – Huy chia sẻ.
ThS Mã Thái Hòa – giảng viên khoa hóa học ứng dụng, Trường đại học Trà Vinh – nhận xét sản phẩm có nhiều ưu điểm nổi bật, có khả năng thương mại hóa.
“Tôi thấy nhóm đã tận dụng nguồn tài nguyên từ thiên nhiên để tạo ra sản phẩm có giá trị. Đây là sản phẩm sinh học thân thiện môi trường, kháng khuẩn, có khả năng phân hủy cao.
Đề tài nghiên cứu này sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho bà con nông dân vùng sông nước, góp phần quảng bá sản phẩm địa phương ra thị trường quốc tế, nâng cao giá trị thương hiệu.
Ngoài ra, còn thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương đầu tư công nghệ và sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế vùng” – cô Hòa nói.
Tuy nhiên, cô Hòa cho rằng nhóm cũng cần lưu ý đến việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào và xử lý nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, nhóm cũng cần đầu tư trang thiết bị chuyên dụng để giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
Tự phân hủy
Bạn Nguyễn Thị Bích Trâm cho biết qua khảo sát nhóm nhận thấy các dạng băng gạc trên thị trường đa số được làm từ sợi cotton, không có khả năng chống thấm nên khi tắm rửa nước từ bên ngoài dễ đi vào vết thương.
“Nhóm sử dụng chitosan dạng bột thô, trộn với cellulose của lục bình giúp miếng băng gạc có thể giữ độ ẩm cho vết thương và kháng nước từ bên ngoài. Ngoài ra, dịch chiết từ cây lục bình sẽ tăng khả năng kháng khuẩn tự nhiên, giúp ngăn ngừa việc nhiễm trùng, đặc biệt cho những người có làn da nhạy cảm.
Băng gạc của nhóm là băng gạc miếng, được làm từ lục bình nên có đặc tính dễ phân hủy tự nhiên, không để lại các chất tồn dư có hại gây ảnh hưởng đến môi trường sau khi sử dụng” – Bích Trâm nói.
Như Quỳnh tiết lộ quá trình làm việc nhóm gặp không ít khó khăn, phần lớn các thành viên đang là sinh viên năm 2 và năm 3 nên nhiều kiến thức phải tự mày mò.
“Nhóm phải xây dựng lý thuyết, quản trị dự án, tìm kiếm tài liệu về hóa – sinh và kinh tế nên tiến độ nghiên cứu còn chậm. Phần kinh phí nhiều hạn chế, máy móc thiết bị chưa đầy đủ nhưng với tinh thần quyết tâm nhóm cũng cho ra được sản phẩm hoàn chỉnh.
Sản phẩm của nhóm cũng đã được gửi đi kiểm nghiệm về an toàn vệ sinh. Dự kiến sau khi nhận được giấy chứng nhận an toàn và được đầu tư, nhóm sẽ tiến hành nghiên cứu phát triển băng gạc bông 100% cellulose từ lục bình, phát triển thêm băng gạc gel và dạng xịt” – Quỳnh bộc bạch.
Thông thoáng, thấm hút tốt
Cô Lưu Thị Mỹ Ngọc – phó trưởng bộ môn dược lâm sàng, khoa dược, Trường đại học Nguyễn Tất Thành – nhận xét sản phẩm có sự thấm hút tốt. “Băng gạc của nhóm khi gặp nước sẽ giúp thấm hút dịch từ vết thương, đảm bảo thông thoáng, khả năng thấm hút nhờ vào lỗ xốp từ sợi lục bình.
Đây được xem là vật liệu hydrogel (là polymer không hòa tan trong nước) có tính hấp thụ cao, nguồn gốc tự nhiên từ lục bình.
Các bạn cũng đã có quy trình để lọc kim loại nặng ra khỏi sản phẩm, về cơ bản đã loại được kim loại nặng và cũng có quy trình cơ bản để làm ra sản phẩm” – cô Ngọc nói.
Giải nhì ý tưởng đổi mới sáng tạo
Với sản phẩm băng gạc y tế từ lục bình, nhóm đã tham gia cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024” do Trường đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức và đoạt giải nhì. Nhóm cũng đã vượt qua vòng bán kết cuộc thi “Khởi nghiệp xanh năm 2024” và sẽ dự thi chung kết vào tháng 11 tới.