Trong Quy hoạch tỉnh, Đồng Nai sẽ có 300 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung lớn để trồng lúa, rau, cây công nghiệp, cây ăn quả. Ngoài ra, tỉnh quy hoạch vùng nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Hướng đến nền nông nghiệp xanh, hiện đại
Nội dung quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh đặt ra mục tiêu khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng; bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, …
Năm 2023, giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt gần 48,9 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 3,6% so với năm ngoái, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cao hơn bình quân chung cả nước và đứng thứ 3 trong vùng Đông Nam Bộ.
Là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, những năm qua, Đồng Nai đã triển khai hiệu quả chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo đó, ngành chăn nuôi đã chuyển dần sang quy mô công nghiệp, kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công nhận xét, ngành chăn nuôi thải ra nhiều khí carbon và phụ phẩm nông nghiệp. Những năm qua, một số tập đoàn, DN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp chăn nuôi an toàn với môi trường và giảm phát thải như: giải pháp cải thiện chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi; sử dụng các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng khí sinh học, thu gom chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ…
Trong lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp như: quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với cơ sở chế biến, bảo quản nông sản; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực xuất khẩu…
Nông dân ngày càng có nhận thức cao về sản xuất an toàn, diện tích sản xuất đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ của tỉnh tăng nhanh qua từng năm. Nhiều vùng chuyên canh, vùng sản xuất các cây trồng chủ lực đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Nối tiếp những thành quả
Mô hình chăn nuôi heo tại Đồng Nai – “Thủ phủ” ngành chăn nuôi cả nước
Là tỉnh công nghiệp, cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp xanh, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược trong phát triển. Những nội dung định hướng phát triển ngành nông – lâm nghiệp và thủy sản trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục kế thừa, phát huy.
Trước đó, tỉnh đã có đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đóng vai trò kiến tạo để giúp người sản xuất và DN có thể chuyển đổi và định hướng phát triển phù hợp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung phát triển các sản phẩm và phân khúc thị trường có lợi thế cạnh tranh; xây dựng các kênh phân phối bền vững, giữ vững thị trường trong tỉnh, trong nước, bảo vệ sinh kế cho người dân sản xuất nông nghiệp.
Đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của những địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ.
Nhờ đó, tỉnh thu hút được nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có gần 2,1 ngàn DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực như: sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi…
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Văn Thắng, thời gian qua, tỉnh đã huy động từ nhiều nguồn lực, ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, phục vụ cho xuất khẩu. Tỉnh đang triển khai 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản, ưu tiên thu hút các DN đầu tư chế biến sâu, chế biến tinh nông sản; nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất, giải quyết đầu ra cho nông sản.