Tài sản quý giá của Việt Nam, Lào, Campuchia
Sáng 10-10, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại thủ đô Vientiane, Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã có cuộc ăn sáng giao lưu đặc biệt với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC).
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia có truyền thống văn hóa – lịch sử lâu đời, gắn kết chặt chẽ, mật thiết cả về địa lý, lịch sử, truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và trong phát triển kinh tế – xã hội ngày nay.
Theo ông, truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam, Lào, Campuchia là tài sản quý giá, là nền tảng phát triển quan hệ hợp tác, tin cậy lẫn nhau và là yếu tố then chốt trong thúc đẩy đoàn kết, gắn bó giữa ba nước.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định thời gian qua, nhiều cơ chế hợp tác ba bên giữa Việt Nam, Campuchia, Lào đã được hình thành và phát huy hiệu quả, góp phần thiết thực vào việc củng cố và vun đắp cho hợp tác ba nước. Trong đó, hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư có bước chuyển mạnh mẽ, song vẫn chưa xứng tầm với quan hệ chính trị – ngoại giao tốt đẹp.
Đề xuất đẩy mạnh kết nối 3 nền kinh tế
Trước đó, tại cuộc ăn sáng làm việc ngày 9-10 tại Vientiane, Thủ tướng Việt Nam, Lào, Campuchia đã nhất trí hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư cần có những bước đột phá chiến lược để tương xứng với tầm vóc quan hệ chính trị và tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.
Tại cuộc giao lưu với ASEAN-BAC sáng 10-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề của hội nghị cấp cao năm nay là “ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường”. Ông mong muốn cộng đồng doanh nghiệp các nước ASEAN tiếp tục hợp tác, ủng hộ, góp phần giúp ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia nâng tầm gắn kết kinh tế ngang tầm gắn kết về địa lý, lịch sử và quan hệ chính trị – ngoại giao.
Theo đó, ông đề xuất đẩy mạnh kết nối 3 nền kinh tế trên 5 lĩnh vực: Kết nối mềm (xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của 3 nước và mỗi nước); Kết nối cứng, nhất là kết nối giao thông gồm hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển; Kết nối thương mại (phát huy các lợi thế có thể bổ sung cho nhau, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng gắn kết với chuỗi cung ứng toàn cầu, khu vực); Kết nối hạ tầng số, hạ tầng năng lượng; và Kết nối các doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ cùng Chính phủ Lào, Chính phủ Campuchia tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đến hợp tác, đầu tư, kinh doanh với tinh thần “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và tự hào” với ba đất nước, ba dân tộc.
ASEAN-BAC được nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ các nước thành viên thành lập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 7 tại Brunei vào năm 2001.
Ra mắt chính thức vào tháng 4-2003, ASEAN-BAC được các lãnh đạo của khối ủy thác thúc đẩy các nỗ lực của khối ASEAN hướng về hội nhập kinh tế. Bên cạnh việc cung cấp cho khu vực tư nhân các phản hồi về việc thực thi hợp tác kinh tế của ASEAN, Hội đồng cũng xác định các lĩnh vực ưu tiên cho các nhà lãnh đạo ASEAN xem xét.