Bộ Quốc phòng trả lời về việc doanh nghiệp của bộ bán pháo hoa

Mấy năm gần đây, pháo hoa của Nhà máy Z121 thường loạn giá tại nhiều điểm bán và trên mạng xã hội – Ảnh: PHẠM TUẤN

Bộ Quốc phòng đã có trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận gửi về nội dung liên quan đến việc mua, sử dụng một số loại pháo hoa.

Theo đó, cử tri nêu từ năm 1990, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về cấm đốt pháo hoa và được cả nước ủng hộ vì các tác hại của việc đốt pháo gây ra.

Tuy nhiên vài năm gần đây, người dân được phép mua và sử dụng một số loại pháo hoa trong dịp lễ, Tết do Bộ Quốc phòng cung cấp.

Từ đó, cử tri đặt câu hỏi việc này có phù hợp với chỉ thị của Thủ tướng không? Bên cạnh đó, cử tri lo ngại việc độc quyền cung cấp sản phẩm pháo hoa có thể dẫn đến các tiêu cực trong quản lý, mua bán sản phẩm này.

Không trái với chỉ thị của Thủ tướng

Trả lời nội dung này, Bộ Quốc phòng nêu rõ theo quy định tại nghị định 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định cơ quan, tổ chức cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp, cụ thể:

Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa. Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa.

Do đó, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh nội dung cử tri đề cập “vài năm gần đây, người dân được phép mua và sử dụng một số loại pháo hoa trong dịp lễ, Tết do Bộ Quốc phòng cung cấp” không trái với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến nội dung cử tri lo ngại việc độc quyền cung cấp sản phẩm pháo hoa có thể dẫn đến các tiêu cực trong quản lý, mua bán sản phẩm này, Bộ Quốc phòng cũng có thông tin cụ thể.

Về nội dung độc quyền cung cấp sản phẩm pháo hoa, Bộ Quốc phòng dẫn lại các quy định liên quan của nghị định 94/2017 của Chính phủ về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại.

Cùng với đó là nghị định 96/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nghị định 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo.

Theo đó, pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại; sản xuất, kinh doanh pháo hoa thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép kinh doanh pháo hoa.

Việc quy định như trên nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh pháo hoa, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Sản xuất, kinh doanh pháo hoa được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm

Về lo ngại việc độc quyền cung cấp sản phẩm pháo hoa có thể dẫn đến các tiêu cực, theo Bộ Quốc phòng, nghị định 137/2020 của Chính phủ đã có quy định cụ thể về nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo, các hành vi bị nghiêm cấm.

Đồng thời quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trong việc quản lý, sử dụng pháo, gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành có liên quan, UBND các cấp.

Bên cạnh đó, về chế tài hành chính, Chính phủ đã ban hành nghị định 144/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong đó có các hình thức xử phạt vi phạm quy định về quản lý, sử dụng pháo.

Bộ Quốc phòng nêu rõ nghị định 137/2020, nghị định 144/2021 được ban hành và có hiệu lực, việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh pháo hoa đã được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm trật tự an ninh, an toàn xã hội.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *