Một nghiên cứu đa trung tâm, dẫn đầu là Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia tại Bethesda, Maryland, Mỹ, cho thấy phương pháp giảm stress dựa trên chánh niệm (MBSR) có hiệu quả tương đương với thuốc chống trầm cảm escitalopram trong việc giảm các triệu chứng của các rối loạn lo âu như sợ khoảng trống (agoraphobia), rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu lan tỏa, và rối loạn lo âu xã hội.
Nghiên cứu này gợi ý rằng thực hành thiền, chánh niệm (mindfulness) có thể là một phương pháp thay thế hữu hiệu, ít tác dụng phụ cho thuốc trong điều trị rối loạn lo âu.
Hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi các rối loạn lo âu và thường được điều trị bằng thuốc, chẳng hạn như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI). Mặc dù SSRI có thể hiệu quả trong việc chống lại các triệu chứng của rối loạn lo âu, chúng cũng đi kèm với các tác dụng phụ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Trong trường hợp của escitalopram (được bán dưới tên Lexapro và Cipralex), các tác dụng phụ này bao gồm buồn nôn, đau đầu, khô miệng, đổ mồ hôi quá nhiều, mất ngủ và mệt mỏi.
Trước đây, nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng 8 tuần thực hành MBSR hiệu quả không kém escitalopram trong việc giảm căng thẳng và điều chỉnh cảm xúc mà không gây ra các tác dụng phụ.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên JAMA Network Open, nhóm nghiên cứu trình bày các kết quả thứ cấp về lo âu, trầm cảm và chất lượng cuộc sống do bệnh nhân tự báo cáo từ nghiên cứu trước đó.
Nghiên cứu này bao gồm 276 người trưởng thành được chẩn đoán mắc các rối loạn lo âu khác nhau. Những người tham gia được phân ngẫu nhiên vào chương trình MBSR hoặc điều trị bằng escitalopram.
Nhóm MBSR tham dự các buổi thực hành kỹ thuật thiền chánh niệm hằng tuần, trong khi nhóm escitalopram nhận liều từ 10 – 20mg mỗi ngày với các buổi theo dõi lâm sàng thường xuyên.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng nhiều thang đo tiêu chuẩn để đánh giá mức độ lo âu, trầm cảm và chất lượng cuộc sống, từ cả góc nhìn của bệnh nhân và bác sĩ lâm sàng. Kết quả cho thấy cả hai nhóm đều giảm các triệu chứng lo âu tương tự nhau trong suốt thời gian nghiên cứu.
Không có sự khác biệt đáng kể nào được phát hiện giữa MBSR và escitalopram về mức độ giảm lo âu tổng thể vào tuần thứ 8, điểm mốc chính của nghiên cứu. Escitalopram cho thấy hiệu quả giảm triệu chứng nhẹ hơn ở thời điểm giữa điều trị (tuần thứ 4), nhưng những cải thiện này không được duy trì đến cuối nghiên cứu.
Tỉ lệ tác dụng phụ là điểm khác biệt đáng kể duy nhất giữa hai phương pháp điều trị. Gần 79% người dùng escitalopram báo cáo ít nhất một tác dụng phụ liên quan đến nghiên cứu, so với chỉ 15% ở nhóm thiền chánh niệm.
Kết quả nghiên cứu trên giúp khẳng định hiệu quả của phương pháp giảm stress dựa trên chánh niệm như một liệu pháp điều trị rối loạn lo âu đáng tin cậy và an toàn hơn, mở ra triển vọng áp dụng rộng rãi trong thực tiễn lâm sàng.