Năm 2025 Chính phủ dự kiến vay 815.238 tỉ đồng

Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về tình hình nợ công năm 2024 và dự kiến năm 2025.

Năm 2025 theo phương án Chính phủ đang báo cáo Quốc hội, dự báo đến cuối năm 2025 dư nợ công ở mức khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ ở mức khoảng 34-35% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức khoảng 33-34% GDP.

Nhu cầu vay mới tăng hơn 20%

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 24%. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) dự kiến ở mức khoảng 7-8%. Chỉ số này đảm bảo trong mức trần, ngưỡng được Quốc hội cho phép.

Tổng nhu cầu vay của Chính phủ dự kiến 815.238 tỉ đồng, tăng 20,6% so với kế hoạch năm 2024. Gồm vay của ngân sách trung ương là 804.242 tỉ đồng, tăng 21,9% so với dự toán năm 2024, còn lại là vay nước ngoài về cho vay lại.

Nguồn huy động gồm phát hành trái phiếu Chính phủ, vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trường hợp cần thiết sẽ huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 468.542 tỉ đồng (tương đương khoảng 24% thu ngân sách). Gồm trả nợ gốc khoảng 361.142 tỉ đồng, trả nợ lãi khoảng 107.400 tỉ đồng.

Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 38.407 tỉ đồng (trả gốc khoảng 28.054 tỉ đồng, trả lãi khoảng 10.353 tỉ đồng).

Trong cơ cấu trả nợ trực tiếp của Chính phủ, trả nợ trong nước dự kiến chiếm khoảng 87,5%. Phần còn lại là trả nợ vay ODA, ưu đãi nước ngoài. Nguồn trả nợ lãi được bố trí trong dự toán ngân sách. Nguồn trả nợ gốc được bố trí từ huy động vay mới là những nguồn vay trong nước.

Đối với bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước và ngoài nước, dự kiến trong năm 2025 Chính phủ không xem xét cấp bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án để vay vốn.

Dự kiến đến cuối năm 2025, dư nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước khoảng 5.039 tỉ đồng, bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 58.454 tỉ đồng.

Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, dự kiến phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh bằng mức trả nợ gốc đến hạn là 10.800 tỉ đồng. Dự kiến dư nợ bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển khoảng 76.071 tỉ đồng, cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 77.731 tỉ đồng.

Thực hiện đồng bộ giải pháp quản lý nợ công

Căn cứ dự toán ngân sách năm 2025 của Chính phủ trình Quốc hội, dự kiến năm 2025 bội chi ngân sách địa phương ở mức 28.400 tỉ đồng.

Tổng mức vay trong năm khoảng 31.772,9 tỉ đồng, dự kiến chủ yếu từ nguồn vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ và nguồn vay trong nước khác.

Tổng trả nợ gốc khoảng 3.322,9 tỉ đồng, trả nợ lãi trong năm khoảng 3.147 tỉ đồng. Tổng dư nợ cuối năm khoảng 105.547,3 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, Chính phủ nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp về quản lý nợ công. Đảm bảo công tác vay, trả nợ công trong phạm vi đã được phê duyệt.

Theo dõi chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ đảm bảo trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Rà soát, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách.

Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp, đúng quy định để huy động đủ nguồn lực cho nhu cầu của ngân sách. Rà soát vướng mắc, chồng chéo liên quan tài chính ngân sách, đầu tư công, vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài.

Sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, và các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng đồng bộ, rõ ràng, dễ hiểu, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đơn giản thủ tục…

Tạo điều kiện cho các hoạt động vay, trả nợ và tuân thủ nguyên tắc phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Không vay khi có các điều khoản trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

Tăng cường tiếp xúc, quảng bá với nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ trong và ngoài nước. Cải thiện hiệu quả công tác đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia. Hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đạt mức xếp hạng đầu tư. Từ đó góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *