Kết quả đấu giá cát cao “không tưởng” này đang gây xôn xao cộng đồng doanh nghiệp xây dựng, khoáng sản và người dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng.
20 giờ “đu đỉnh” giữa các doanh nghiệp
Thuật lại với phóng viên Tuổi Trẻ Online trưa 19-10, một người làm nhiệm vụ hỗ trợ phiên đấu giá cho biết phải mất hơn 20 tiếng lực lượng làm nhiệm vụ mới có thể ký vào hồ sơ chốt phiên.
Nguyên do là mỗi lần nâng bước giá thì lại có những doanh nghiệp khác hô giá cao hơn.
Ban đầu buổi đấu giá thu hút trên 20 doanh nghiệp. Từ 7h sáng 18-10 hội trường UBND thị xã Điện Bàn có mặt đông đủ các đại diện. Tới 8h sáng phiên đấu giá bắt đầu.
Theo mức giá khởi điểm, mỏ cát ở xã Điện Thọ được đề xuất giá 1,4 tỉ đồng cấp quyền khai thác. Tuy nhiên không lâu sau đó bước giá liên tục nhảy vọt, bỏ xa giá ban đầu.
Những người có mặt không ai nghĩ phiên đấu giá sẽ kết thúc muộn hơn 12h trưa, chứ chưa nói tới việc phải 4h sáng hôm sau mới chốt.
Qua 12h trưa 18-10, một số đại diện đơn vị có mặt đã chấp nhận ra về. Nhưng vẫn có sáu doanh nghiệp tại Quảng Nam, Đà Nẵng nán lại. Mức giá liên tục lập đỉnh.
Tình hình vẫn không có dấu hiệu kết thúc dù đã qua ngày mới. Khoảng 1h ngày 19-10 còn hai doanh nghiệp ngồi “đu đỉnh”, so kè giá với nhau. Mỗi lần doanh nghiệp này nâng bước giá thì sau đó doanh nghiệp kia lại đề xuất giá cao hơn.
“Anh em ngồi dự mà phát nản, thậm chí bực bội. Một số người không có nhiệm vụ thì đi ngủ. Còn chị Châu – phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, đơn vị tổ chức đấu giá, công an cùng một số anh em khác vẫn phải trụ lại, không thể dừng cuộc đấu giá.
Phải tới lúc đồng hồ điểm 4h08 thì phiên đấu giá mới kết thúc. Hồ sơ được anh em ký tại chỗ với kết quả cao nhất được ghi nhận mức 370 tỉ đồng quyền khai thác mỏ cát thuộc về Công ty CP MT Quảng Đà (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng)” – nguồn tin thuật lại với Tuổi Trẻ Online.
Nghỉ giải lao 10 phút để uống nước, ăn bánh mì
Về việc lực lượng chức năng sẽ ăn uống, nghỉ ngơi thế nào trong suốt 20 giờ diễn ra phiên đấu giá, cán bộ có mặt tại buổi đấu giá cho biết luật quy định không thể tạm dừng khi các doanh nghiệp đang nhảy bước giá.
Để ăn uống, tạm nghỉ lấy sức thì những người có mặt được nghỉ tạm 10 phút theo từng quãng. Lúc này nước uống, bánh mì, đồ ăn nhanh được đưa từ ngoài vào. Hội trường được đóng cửa, bảo vệ nghiêm ngặt không cho ai vào ra.
“Lúc 5h30 mọi người mới xong việc ra về. Không ai tưởng tượng được những gì đã diễn ra” – nguồn tin nói với Tuổi Trẻ Online.
Sáng 19-10 trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói: “Tôi đã tiếp nhận thông tin này và đã chỉ đạo cho cơ quan chức năng vào cuộc xem xét việc đấu giá này có đúng theo luật đấu giá hay không, nếu có vi phạm các quy định đấu thầu thì xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật”.
Trong sáng cùng ngày, phóng viên Tuổi Trẻ Online liên lạc với đại diện doanh nghiệp trúng thầu nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Mức giá cát không tưởng
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, sáng 18-10 thị xã Điện Bàn tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ cát ở xã Điện Thọ. Mức giá khởi điểm là 1,4 tỉ đồng nhưng phiên đấu giá kéo dài suốt 20 giờ và chỉ kết thúc lúc 4h08 ngày hôm sau.
Từ sáng 19-10, khi có thông tin mức giá trúng thầu 370 tỉ đồng cho quyền khai thác cát ở Điện Bàn, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc chốt giá cao như vậy là điều khác thường.
Theo tính toán, nếu đơn vị trúng đấu giá không bỏ cọc thì đồng nghĩa với việc mỗi khối cát sẽ ở mức trên 2 triệu đồng, cao gấp nhiều lần giá cát trên thị trường (hiện tại quanh mốc 350.000 – 410.000 đồng/m3).
Thời gian qua không ít vụ đấu giá cát được chốt phiên cao ngất ngưởng nhưng rồi đơn vị trúng thầu bỏ cọc. Về trường hợp ở Điện Bàn, lãnh đạo một phòng chức năng ở thị xã này nói nếu bên trúng thầu bỏ cọc thì mất 242 triệu đồng tiền đặt trước.