Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong tờ trình gửi Chính phủ dự thảo nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe.
Thêm 3 hạng bằng lái sẽ thuận tiện hơn cho người Việt Nam tại nước ngoài
Việc ban hành nghị định nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật điều chỉnh quản lý hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe phù hợp với quy định mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo Bộ Giao thông vận tải, nhằm nội luật hóa phân hạng giấy phép lái xe theo Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (Công ước Vienna), tại khoản 1 điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã phân hạng giấy phép lái xe phù hợp.
Việc này tạo thuận lợi cho người dân Việt Nam sinh sống, học tập tại các nước là thành viên của Công ước Vienna không mất chi phí đổi, học để được cấp giấy phép lái xe, đồng thời tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, khách nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, việc phân hạng đã phát sinh 3 hạng giấy phép lái xe so với quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008 gồm:
Hạng A1 cấp cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xi lanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11kW.
Hạng C1 cấp cho người lái ô tô tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500kg đến 7.500kg và các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg.
Hạng D1 cấp cho người lái ô tô chở người trên 8 chỗ (không kể chỗ của tài xế) đến 16 chỗ (không kể chỗ của tài xế), các loại ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg.
Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cần đầu tư xe để dạy 3 hạng bằng lái mới
Do phát sinh 3 hạng bằng lái xe nên các cơ sở đào tạo lái xe, các trung tâm sát hạch lái xe cần bổ sung xe tập lái và xe sát hạch phù hợp để đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất.
Với trung tâm đào tạo lái xe: hiện cả nước có 368 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 408 cơ sở đào tạo lái xe mô tô. Trường hợp mỗi cơ sở đào tạo lái xe bổ sung tối thiểu 1 xe/hạng thì số kinh phí như sau:
Kinh phí đầu tư xe với hạng A1 là hơn 8,16 tỉ đồng (408 xe x 20 triệu đồng).
Kinh phí cần đầu tư để bổ sung xe hạng C1 là 147,2 tỉ đồng (368 xe x 400 triệu đồng).
Kinh phí cần đầu tư bổ sung xe hạng D1 là 294,4 tỉ đồng (368 xe x 800 triệu đồng).
Với lộ trình dự kiến thực hiện 3 năm, nguồn kinh phí dự kiến trung bình mỗi năm xấp xỉ 149,92 tỉ đồng.
Với trung tâm sát hạch lái xe: hiện cả nước có 50 trung tâm loại 1, 110 trung tâm loại 2 và 170 trung tâm loại 3. Nếu mỗi trung tâm sát hạch tối thiểu cần bổ sung 2 xe/hạng thì kinh phí dự kiến như sau:
Các trung tâm loại 1 cần đầu tư 100 tỉ đồng (50 trung tâm x 2 xe x 1 tỉ đồng).
Các trung tâm loại 2 cần đầu tư 110 tỉ đồng (110 trung tâm x 2 xe x 500 triệu đồng).
Các trung tâm sát hạch loại 3 cần đầu tư 6,8 tỉ đồng (170 trung tâm x 2 xe x 20 triệu đồng).
Với lộ trình dự kiến thực hiện 3 năm, nguồn kinh phí dự kiến trung bình mỗi năm xấp xỉ 72,266 tỉ đồng.
Áp dụng niên hạn với xe tập lái, sát hạch hạng B là cần thiết
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện tỉ lệ xe sát hạch dùng để giảng dạy các hạng C, hạng D và hạng E (tương đương hạng C1, C, D1, D2 và D) chiếm 28% tổng số xe sát hạch; 72% số xe sát hạch còn lại là hạng B, xấp xỉ 2.424 xe.
Theo quy định hiện hành, xe tập lái và sát hạch hạng B không thuộc đối tượng áp dụng niên hạn.
Điều 40 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về niên hạn sử dụng ô tô chở hàng và xe ô tô chở người có số người cho phép chở từ 9 người trở lên (không kể người lái xe).
Theo đó, xe tập lái dùng để dạy lái xe các hạng C1, C, D1, D2 và D thuộc nhóm xe phải tuân thủ yêu cầu về niên hạn sử dụng.
Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc xem xét quy định niên hạn sử dụng không quá 25 năm đối với xe sát hạch hạng B là cần thiết.
Bởi vì trong khi học viên lái xe còn chưa đủ kỹ năng thì khả năng xử lý tình huống đối với xe cũ yếu, dẫn đến việc đánh giá kỹ năng điều khiển xe của thí sinh không khách quan, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trong quá trình sát hạch lái xe.
Căn cứ xe tập lái và xe sát hạch hạng B hiện có, số lượng xe cần thay thế để đáp ứng yêu cầu về niên hạn sử dụng cần nguồn kinh phí 700 tỉ đồng/năm với các cơ sở đào tạo (dự kiến thực hiện 3 năm) và hơn 13,3 tỉ đồng/năm với các trung tâm sát hạch (dự kiến thực hiện 3 năm).