Kết quả sơ bộ từ cuộc bầu cử vừa qua chứng kiến liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NPF) bất ngờ về thứ nhất (182 ghế), liên minh trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về thứ hai (168) và Đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen chỉ xếp thứ ba (143).
Bế tắc vì thế “tam mã”
Không phe nào trong ba khối chính đảng này giành đủ 289/577 ghế, dẫn tới việc nước Pháp hiện đại lần đầu tiên có quốc hội không do đảng nào chiếm đa số.
Từ nhiều năm gần đây, Pháp và chính trị dòng chính ở châu Âu đã lo ngại về “làn sóng cực hữu”. Nếu Đảng RN của bà Le Pen thắng lợi, điều này sẽ đưa Pháp vào một bước ngoặt lịch sử khi sẽ có một chính phủ cực hữu đầu tiên kể từ thời Thế chiến 2, và diễn biến này hứa hẹn kéo theo nhiều thay đổi trong chính trường châu Âu.
Đó là lý do khối cánh tả và khối trung dung của Pháp vừa qua đã làm hết sức để ngăn chặn đảng RN. Mục tiêu ấy đã đạt được sau màn bầu cử hôm 7-7. Nhưng thế “tam mã” này lại khiến nước Pháp đối diện câu hỏi hóc búa tiếp theo: Làm thế nào để thành lập chính phủ mới?
Mô hình liên minh là sự lựa chọn duy nhất cho ba khối tả, hữu và trung dung. Điểm khó khăn là cả ba có cách tiếp cận khác nhau, và truyền thống ở Pháp cũng cho thấy họ chưa bao giờ làm việc cùng nhau.
Xét thực tế, sau khi đã phối hợp tạo ra “bức tường chống cực hữu”, kịch bản lúc này gói gọn lại thành chuyện làm thế nào Tổng thống Pháp Macron có thể liên minh với vài đảng thuộc phe cánh tả. Song, gần như chắc chắn ông không thể tìm thấy tiếng nói chung với Đảng Nước Pháp bất khuất, và bản thân lãnh đạo Jean-Luc Melenchon của đảng này cũng đã bác bỏ mọi thỏa thuận với phe trung dung hôm 7-7.
Hai đảng mạnh nhất còn lại của khối cánh tả gồm Đảng Xanh và Đảng Xã hội cũng không thỏa hiệp, thậm chí nội bộ liên minh cánh tả này cũng tồn tại nhiều bất đồng sâu sắc bất chấp việc vừa xích lại gần nhau một cách vội vã.
Bài toán gấp rút nhất hiện nay là tìm tân thủ tướng thay ông Gabriel Attal, người có nguyện vọng từ chức nhưng sẵn sàng nắm vai trò tạm quyền. Hôm 8-7, ông Macron đã yêu cầu ông Attal tiếp tục nắm quyền để giữ chính phủ tiếp tục hoạt động.
Giai đoạn bất ổn mới
Ông Macron đặt cược vào màn bầu cử sớm lần này, hy vọng sẽ lấy lại sinh khí cho chính phủ bằng suy nghĩ rằng lợi ích quốc gia sẽ quan trọng hơn so với các cuộc bỏ phiếu ở Liên minh châu Âu (EU). Tuy vậy, tổng thống trung dung của Pháp đã vô tình làm sống lại cánh tả và cánh hữu, và đây được cho là một sai lầm khi ông quá xem nhẹ tâm lý chống chính quyền đương nhiệm.
Thất bại trên lá phiếu của Đảng RN là sự khựng lại tạm thời của làn sóng cực hữu ở Pháp và châu Âu nói chung. Tuy nhiên, diễn biến thực tế báo hiệu một giai đoạn bất ổn mới vì chính phủ mới của Pháp được dự đoán sẽ không hòa thuận với Tổng thống Macron.
Một quốc hội bị chia rẽ ở Pháp sẽ làm suy yếu vai trò của nước này trong EU và với bên ngoài, đồng thời tạo khó khăn cho bất kỳ ai muốn thúc đẩy một chương trình nghị sự trong nước.
Theo Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh), rắc rối từ quốc hội sẽ khiến Pháp khó thông qua các khoản cắt giảm ngân sách cần thiết để tuân thủ quy định ngân sách của EU. Kịch bản này thậm chí như “đổ thêm dầu vào lửa” với tình hình vốn đã phức tạp tại châu Âu, vì khả năng Chính phủ Pháp và các nước xung đột với chính sách tài khóa của EU sẽ tăng lên.
Câu chuyện tài chính là vấn đề rất lớn khiến việc khối cánh tả về nhất cuộc bầu cử Quốc hội Pháp đẩy nước này vào thế bế tắc.
Khối cánh tả muốn đặt mức trần cho hàng hóa thiết yếu như thức ăn và nhiên liệu, đồng thời tăng lương tối thiểu cũng như thù lao cho người lao động lĩnh vực công. Nhưng yêu cầu này rất khó thực hiện giữa lúc thâm hụt ở Pháp đã chạm mức 5,5% GDP, cao hơn giới hạn theo quy định EU.
Áp lực này có thể được nhìn nhận từ bên ngoài. Thượng nghị sĩ Claudio Borghi thuộc Đảng cánh hữu Liên đoàn ở Ý dùng ngôi sao bóng đá Pháp Kylian Mbappe để chế giễu việc phe cánh tả “về nhất”: “Tạm biệt giới hạn thâm hụt của châu Âu nhé! (Chính phủ này) sẽ sụp đổ ngay lập tức. Tội cho Pháp. Họ có thể tự an ủi mình bằng Mbappe”.
Tương tự, lãnh đạo Andre Ventura cho Đảng cánh hữu Chega ở Bồ Đào Nha gọi kết quả bầu cử ở Pháp là “thảm họa cho nền kinh tế, bi kịch cho nhập cư và tồi tệ cho cuộc chiến chống tham nhũng”.
Hậu bầu cử Quốc hội Pháp: Đức thở phào rồi lại lo
Phó thủ tướng Đức Robert Habeck cho biết ông cảm thấy khá nhẹ nhõm khi không thấy một sự áp đảo nào từ phía cực hữu sau bầu cử Quốc hội Pháp.
Dù vậy, ông Habeck cho rằng kết quả bầu cử này sẽ mang tới thách thức to lớn không chỉ với bản thân nước Pháp, mà còn cho cả châu Âu vốn đang trong giai đoạn tái tổ chức sau bầu cử châu Âu, cũng như quan hệ Đức – Pháp.