Người dân lẫn chính quyền đều kỳ vọng dự án này sẽ đưa vùng miệt thứ (cách gọi vùng đất xa xôi ở Kiên Giang) đến gần hơn với thành thị.
Ngóng trông cầu vượt biển nối miệt thứ
Hơn 60 năm sinh sống ở huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang), ông Võ Văn Hoàng (ấp Kinh Xáng, xã Tây Yên) cho biết sau khi nghe thông tin làm cầu, bà con phấn khởi và mong chờ chính quyền sớm thi công để đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.
Nếu có cầu vượt biển thì bốn xã ven biển của huyện An Biên gồm Tây Yên, Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A sẽ thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế – xã hội vùng ven biển.
“Lúc đó, bà con chỉ cần mất 15 phút là đến TP Rạch Giá. Còn hiện nay đi TP Rạch Giá vừa lâu và khó khăn. Chính vì vậy, bà con đang rất mong chờ được làm cầu vượt biển, làm đường để bà con miệt thứ thoát nghèo”, ông Hoàng nói.
Ông Đoàn Minh Hữu (tài xế xe tải chuyên chở hàng từ Cà Mau đi Kiên Giang) cho hay hiện tại ông lấy hàng từ thị trấn biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) chở sang TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) với quãng đường gần 200km.
Trước đây, ông thường đi quốc lộ 63, chở hàng đi và về gần một ngày do đường nhỏ, xuống cấp nên không thể chạy nhanh được. Gần đây đã có đường Xuyên Á nối liền giữa Cà Mau – Kiên Giang nên việc đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các tỉnh cũng còn xa, qua nhiều khu dân cư nên tốc độ vận chuyển hàng bị chậm.
“Do đi chậm nên hàng hóa thủy hải sản đội giá lên rất nhiều về chi phí nhân công, xăng dầu để duy trì độ lạnh cho thùng xe… Bây giờ nghe nói sắp tới có đường ven biển nên thấy phấn khởi. Hy vọng tuyến này làm xong sẽ rút ngắn được khoảng cách giữa các tỉnh, sẽ giảm được chi phí và thời gian cho bà con”, ông Hữu nói.
Kết nối vùng ven biển
Ông Tô Thanh Đoàn – phó chủ tịch UBND huyện An Biên – khẳng định dự án cầu vượt biển Rạch Giá sẽ kéo gần An Biên và Rạch Giá, tạo điều kiện phát triển kinh tế bốn xã ven biển. Đặc biệt, địa phương sẽ phát huy bãi bồi vùng ven biển để phát triển du lịch sinh thái, đưa các sản phẩm đặc thù của An Biên phát triển hơn.
Ông Lê Hồng Thịnh – phó chủ tịch huyện U Minh, tỉnh Cà Mau – cũng cho hay nếu tuyến đường này hình thành sẽ góp phần rất tốt cho công tác phòng chống lụt bão.
Bên cạnh đó, tuyến đường sẽ góp phần giải quyết được câu chuyện giao thương hàng hóa giữa các địa phương ven biển. Từ khu vực Tiểu Dừa giáp với huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) với huyện Trần Văn Thời khi đó sẽ có điều kiện đi lại dễ dàng hơn.
Theo ông Lê Việt Bắc – giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang, đường ven biển từ Kiên Giang đi Cà Mau trải qua hai huyện An Biên và An Minh với tổng chiều dài hơn 60km. Dự án đầu tư xây dựng đường bộ ven biển kết nối tỉnh Kiên Giang với Cà Mau có tổng mức đầu tư trên 2.300 tỉ đồng.
Hiện nay, hồ sơ thủ tục đã trình các bộ ngành. Khi Thủ tướng phê duyệt dự án thì Kiên Giang đàm phán vốn vay theo chương trình dự án Mekong DPO.
“Dự án đường ven biển Kiên Giang – Cà Mau có đa mục tiêu. Thứ nhất là thích ứng biến đổi khí hậu, mở ra không gian phát triển kết nối liên vùng ven biển cho bán đảo Cà Mau. Đặc biệt là tuyến đường này sẽ gắn với mục tiêu quốc phòng – an ninh của vùng và sẽ góp phần hình thành cho Kiên Giang trở thành tỉnh trung tâm kinh tế biển của vùng. Dự án này có thể bắt tay thực hiện từ năm 2026”, ông Bắc nói.
Ông Lê Thành Huấn – phó giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau – cho biết: Trước mắt Cà Mau sẽ làm đoạn từ thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) sang thị trấn Sông Đốc. Còn đoạn từ Sông Đốc nối với tỉnh Kiên Giang khi làm theo quy hoạch sẽ nằm cách đê biển Tây từ 500m đến 1.000m sâu vào trong đất liền.
“Hiện nay, từ Cà Mau đi Kiên Giang cơ bản chỉ có hai tuyến đường là Xuyên Á và tuyến quốc lộ 63. Tuy nhiên, tuyến quốc lộ 63 hiện tại chỉ cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của một lượng xe nhất định, mặt đường nhỏ hẹp và xuống cấp nên việc lưu thông tốn nhiều thời gian.
Tuyến đường ven biển này nếu được triển khai thì ngoài chuyện giải quyết lưu thông liên tỉnh theo đường ven biển còn có mục tiêu bố trí, sắp xếp dân cư. Nếu phát triển được tuyến này thì sẽ góp phần giải quyết được vấn đề lưu thông ven biển, tạo điều kiện phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông rất lớn”, ông Huấn thông tin thêm.
Kinh tế sẽ phát triển tốt hơn
Ông Dương Tiến Dũng – nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – cho biết bán đảo Cà Mau trước đây nối với các tỉnh khác bằng tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 63. Những năm gần đây, Cà Mau đã phát triển nhiều về hạ tầng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, một số tuyến đường trước đây còn nhỏ nên việc đi lại chưa thông thoáng, di chuyển chậm hơn so với những khu vực khác. Để phát triển mạnh về kinh tế thì cần có thêm nhiều tuyến đường huyết mạch để vận chuyển hàng hóa, thu hút nhà đầu tư.
“Có được tuyến đường ven biển này sẽ góp phần cho Cà Mau phát triển mạnh về kinh tế và kết nối được với các tỉnh trong khu vực, trong vùng. Giao thông thông suốt thì kinh tế sẽ đi theo, văn hóa và du lịch sẽ kéo theo phát triển nhiều hơn. Hy vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư đến những tỉnh miền Tây hơn do hạ tầng giao thông phát triển để góp phần giải quyết việc làm, lao động cho người dân”, ông Dũng nói.
Ông Bùi Ngọc Sương – nguyên chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – cho rằng khi có con đường ven biển thì kinh tế từ Kiên Giang đến Cà Mau sẽ phát triển tốt hơn. Bởi cặp đường ven biển có nhiều cảng cá nên việc có đường ven biển sẽ phát triển mạnh hơn kinh tế ven biển theo nghị quyết Trung ương, Chính phủ và các sinh hoạt của người dân.
“Có đường ven biển sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển từ Kiên Giang đi Cà Mau và ngược lại. Đặc biệt các tàu đánh bắt xa bờ cặp vào cảng ven biển mà có đường ven biển sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng, giảm chi phí cho ngư dân rất nhiều.
Đường ven biển là một trong những mục tiêu lớn về an ninh quốc phòng. Nó sẽ tạo ra khu vực phòng thủ rất tốt ven biển. Đường ven biển sẽ giúp liên kết vùng tốt hơn, vì giao thông đã thông suốt, phát triển ven biển Cà Mau – Kiên Giang trong thời gian tới”, ông Sương nói.
Thi tuyển kiến trúc cầu vượt biển
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang cho biết đơn vị đang phối hợp với các ngành xây dựng kế hoạch thi tuyển kiến trúc cầu vượt biển vịnh Rạch Giá.
Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với quy hoạch đô thị, không gian biển với quy mô mặt cắt ngang đầu tư 6 làn xe.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án trên 3.900 tỉ đồng, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 đến 2029.
“Trục xương sống” phát triển
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Hữu Hiệp – chuyên gia kinh tế ĐBSCL – cho hay đường ven biển phía Tây nằm trong quy hoạch giao thông cả nước và nằm trong quy hoạch tích hợp của ĐBSCL gồm trục dọc, trục ngang, cầu vượt sông lớn và đường hành lang ven biển phía Đông, phía Tây… sẽ kết nối giao thông đồng bằng hoàn chỉnh.
Việc Kiên Giang triển khai tuyến đường ven biển mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Thứ nhất là kết nối hai địa phương – trước đây là một trong bốn động lực phát triển (An Giang – Cần Thơ – Kiên Giang – Cà Mau); kết nối ven biển phía tây U Minh – U Minh Thượng – U Minh Hạ. Xem như đường này là “xương sống” gắn với phát triển kinh tế biển và du lịch.
Ông Hiệp đề nghị: Sự phát triển Hà Tiên – Rạch Giá và Cà Mau gắn với câu chuyện Phú Quốc không chỉ kết nối giao thông mà cần những dự án khu đô thị ven biển, khu kinh tế biển đã được quy hoạch cần đầu tư. Đặc biệt là trục du lịch phải kết nối đồng bộ…
Về giao thông, đường này sẽ mang tính liên kết vùng; đường này sẽ kết nối phát triển tiểu vùng U Minh mà lâu nay cho rằng chậm phát triển. Đặc biệt phải gắn với các khu vực: Hà Tiên – Rạch Giá – Phú Quốc và Cà Mau… cho nên có ý nghĩa rất quan trọng.
Tuy nhiên, trục đó phát triển cũng cần lưu ý về bên Hậu Giang kết nối qua. Đó là cầu Nguyễn Chí Thanh (Hậu Giang) cũng cần đồng bộ tiến độ thực hiện để kết nối tiểu vùng tây Sông Hậu được phát huy.