Sáng 31-10, ônh Lâm Hoàng Thoại, giám đốc kinh doanh Công ty TNHH rau quả thực phẩm Phú Hưng, đơn vị cung cấp thực phẩm cho Trường mầm non 14 (quận Tân Bình), ban giám hiệu trường và một số phụ huynh trao đổi liên quan đến giá thực phẩm cung cấp cho trường mà phụ huynh cho rằng quá cao sau khi báo Tuổi Trẻ Online phản ánh.
Sản phẩm đã qua sơ chế
Theo ông Thoại, công ty có đầy đủ pháp lý, nằm trong chuỗi an toàn thực phẩm theo quy định. Bản thân ông Thoại là thành viên của Hợp tác xã Phước Hòa ở Long An, Hợp tác xã Ngã Ba Giồng, Công ty Da Sa Thảo Mộc (Đà Lạt).
Khi vào trường, công ty cung cấp hồ sơ năng lực công ty, trong đó minh chứng xuất xứ nguồn gốc hàng hóa và cách làm việc.
Công ty không sản xuất hết sản phẩm, thực phẩm theo yêu cầu của trường nhưng thực phẩm qua công ty sẽ được kiểm soát chất lượng để khi đến trường đó là các sản phẩm chất lượng tốt nhất.
Sản phẩm giao cho trường là sản phẩm được làm trong ngày, hàng tươi trong 24 giờ. Các loại cá đã được phi lê, tính tiền dựa vào lượng thịt đã được lọc bỏ xương.
Thực phẩm giao đến trường đã qua sơ chế, các cô chỉ việc rửa và nấu chứ không cần phải sơ chế hay lặt bỏ.
Giải thích về lý do các sản phẩm khô đóng gói không qua sơ chế vẫn có giá cao hơn siêu thị, ông Thoại nói công ty đặt các sản phẩm đầu date (gần ngày sản xuất), không sử dụng sản phẩm gần hết date.
Dù đây là sản phẩm lấy lại từ công ty sản xuất nhưng nhân viên công ty cũng phải soạn kho, giao hàng, hóa đơn chứng từ…
“Công ty giao hàng sớm, đổi trả tận nơi trong khi siêu thị có thể không giao hoặc giao trễ ảnh hưởng đến quá trình nấu ăn cho học sinh. Công ty ký hợp đồng bình ổn trong 1 năm dù giá thị trường có thể tăng. Mùa mưa nhập hàng rất vất vả, rau thải bỏ, hao hụt nhiều hơn sau quá trình sơ chế” – ông Thoại cho biết thêm.
Ông Thoại cũng đưa ra giá một số loại thực phẩm đang bán tại siêu thị Aeon để cho rằng giá của Phú Hưng không quá cao.
Giá thực phẩm cần hài hòa đôi bên
Liên quan đến chế biến thực phẩm, sáng 30-10, trong vai trò phụ huynh tham quan khu vực nấu ăn, chúng tôi đã trao đổi với nhân viên bếp của trường.
Theo nhân viên bếp, cá được phi lê nhưng nhân viên bếp phải xử lý lại để loại bỏ xương nhỏ. Rau được cắt bỏ rễ, lặt bỏ lá hư. Nhân viên bếp phải lặt lại rau, bỏ cọng.
Theo quy chế chuyên môn năm học 2023-2024 của Trường mầm non 14, trường này quy định “cần tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng, giá thành không cao để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho trẻ”.
Phụ huynh Vương Thành Nghiệp cho rằng phụ huynh rất quan tâm đến bữa ăn của con. Mỗi phụ huynh có nhu cầu, tâm lý và mức sống của phụ huynh khác nhau nên sự nhìn nhận bảng giá cũng sẽ khác nhau. Giá mỗi siêu thị cũng khác nhau.
Doanh nghiệp cố gắng đáp ứng thực phẩm đa dạng ở trường học. “Lợi nhuận cũng cần nhưng làm sao đảm bảo chất lượng, giá cả doanh nghiệp nên hài hòa giữa chất lượng bữa ăn học sinh và lợi ích công ty” – ông Nghiệp nói.
Cũng theo ông Nghiệp, ông từng làm trong ngành thực phẩm nên có trăn trở giá thực phẩm có thể tăng trong khi tiền trường thu cố định.
Do đó các trường thường hợp đồng ổn định giá với công ty. Giá thanh long hiện tại 15.000 đồng/kg nhưng công ty bán 61.000 đồng/kg có thể là giá ở thời điểm không chính vụ.
Nếu muốn thay đổi giá theo thị trường thì các trường và công ty cung cấp thực phẩm cần làm việc với nhau thường xuyên” – ông Nghiệp nói.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Phương Thảo – hiệu trưởng Trường mầm non 14 – cho biết vì trường có cho học sinh uống nước trái cây (tắc, chanh dây) nên lượng đường sử dụng là 8kg bao gồm cả pha nước trái cây chứ nấu ăn không hết mức này.
Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trường giải trình
Ngày 31-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phan Văn Quang, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình – cho biết phòng đã có công văn gửi trường yêu cầu giải trình, sau đó phòng mới trao đổi, thông tin lại.
Ông Quang nói thêm trường chọn đơn vị cung cấp thực phẩm và giá cả cũng do hiệu trưởng quyết định, phòng không can thiệp.
“Tuy nhiên, phòng có tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận Tân Bình công tác tiếp phẩm ở tất cả các trường, từ mầm non đến THCS. Chẳng hạn như bao nhiêu năng lượng kcal/ngày, nguồn gốc sản phẩm, bao bì, nhãn mác, số lượng muối thì tỉ lệ chế biến nấu món ăn bao nhiêu, bao nhiêu tỉ lệ muối để rửa rau, củ, quả… Một tuần phòng có phối hợp, để kiểm tra đột xuất khoảng 2 trường/tuần, có lúc đi 5h sáng”, ông Quang nói.