Nghề ‘làm thầy khắp cả người ta’ nhưng không được đào tạo bài bản

Tác giả đang hướng dẫn học viên hạng lái xe hạng C thực hành – Ảnh: NVCC

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, thời gian qua có nhiều ý kiến từ các bên liên quan đến chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên lái ô tô.

Là tài xế lái xe chuyên nghiệp và cũng là giáo viên dạy lái xe, bạn đọc Trương Nhất Vương có ý kiến “nên xem xét xây dựng một lộ trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, vừa để nâng cao năng lực giáo viên lái xe vừa hội nhập quốc tế”.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, sau đây là chia sẻ vài kinh nghiệm của người trong cuộc.

Làm “thầy” khắp cả người ta

Cũng là nghề giáo nhưng giáo viên dạy thực hành lái xe là nghề đặc thù thường xuyên đối diện với nguồn nguy hiểm cao độ. Mỗi giáo viên có thể đảm nhiệm hai lớp cùng lúc, lớp trong giờ và lớp ngoài giờ. Chưa kể có nhiều giáo viên còn dạy theo yêu cầu, dạy nâng cao…

Mỗi xe mỗi lớp với 5 học viên với lái xe đến 9 chỗ ngồi và dưới 3,5 tấn. Số lượng tăng lên 8 học viên với xe trên 9 chỗ ngồi và 3,5 tấn trở lên.

Việc giáo viên dạy lái phải ngồi liên tục bên ghế phụ nhiều giờ trong ngày, qua nhiều cung đường.

Chưa kể phải vận động cùng lúc nhiều bộ phận của cơ thể như mắt phải luôn quan sát trước, sau, phải, trái; miệng luôn phải chỉ dẫn, giảng giải; đầu óc phải căng ra suy nghĩ, phán đoán để sẵn sàng phản ứng nhanh; tay lái đảm bảo chiếc xe đang chạy trên đường an toàn…

Điều đặc biệt nghề giáo viên dạy lái luôn tiếp xúc với học viên gồm đủ các hạng người, độ tuổi, thành phần, từ nông dân đến giáo sư, tiến sĩ…

Không phải là tất cả, nhưng thực tế giảng dạy nhiều năm, người viết đã không dưới 3 lần bị học viên đòi đánh. Chưa kể nhiều học viên còn phải “gặm nhấm” mối hờn, phải nín nhịn…

Để “thầy” và “trò” không phùng mang, trợn mắt, mặt đỏ tía tai…

Theo tôi, yếu tố cốt lõi đó là trình độ các “ông thầy” dạy thực hành ở các trường lái. Như bản thân tôi, do là tài xế rồi chuyển sang dạy lái xe nên tính tình nóng nảy, cục súc, học vấn chỉ có bằng tốt nghiệp THPT và cái bằng trung cấp học đối phó.

Để tồn tại với nghề, tôi phải luôn học hỏi từ đồng nghiệp, rút kinh nghiệm từng ngày, từng giờ, với từng học viên… Nhưng với bản chất khó thay đổi của một lái xe đường dài tôi vẫn còn nóng nảy, hồ đồ và cạn nghĩ.

Đến hơn chục năm trong nghề nhiều lúc tôi vẫn không hiểu tại sao đường vòng bên phải mà học viên lại vặn vô lăng sang trái, tại sao “đường em đi là đường bên phải…” mà học viên vẫn thích đi bên trái, thấy xe trước đã dừng mà họ vẫn vút ga lao vào…

Tóm lại, trình độ học vấn thấp, tri thức hạn chế, tôi cũng như rất nhiều giáo viên dạy thực hành lái xe đã không được đào tạo bài bản dẫn đến không tránh khỏi những lời nói, việc làm phi sư phạm.

Chính vì vậy, theo thiển nghĩ của cá nhân tôi, nghề giáo viên dạy thực hành lái xe hơn bất cứ ngành nghề nào khác rất cần có những giáo viên có trình độ, học vấn cao để thật sự đáp ứng nhu cầu dạy lái xe trong thời đại mới.

Từ lâu, những người học lái xe hay phản hồi khả năng giao tiếp, ứng xử, khả năng truyền đạt kiến thức của giáo viên dạy thực hành lái xe rất yếu kém.

Nhiều học viên có trình độ, học cao, hiểu rộng độ lượng cho rằng tâm thầy giáo tốt nhưng cách truyền đạt chưa tốt, chưa hiểu tâm lý người học.

Nhiều học viên khéo léo còn chỉ vẽ cách truyền đạt với những trường hợp cụ thể đem lại hiệu quả mà vẫn giữ được sự hài hòa, thân thiện thay vì thầy trò cùng phùng mang, trợn mắt, mặt đỏ tía tai… Tâm lý chung là không biết người ta mới phải đi học, không biết nên người ta mới gọi mình bằng thầy… 

Ngoài kiến thức còn phải hiểu tâm lý

Mãi nhiều năm sau này tôi mới hiểu mỗi học viên ở mỗi độ tuổi, trình độ nhận thức khác nhau, người giáo viên phải có cách truyền đạt khác nhau.

Với học viên trẻ nhanh nhẹn có năng khiếu thì việc truyền dạy các kỹ năng lái cho các học viên quá đơn giản.

Với những học viên có năng khiếu, giáo viên phải luôn gần gũi, khéo léo lồng ghép dạy tính, dạy nết… để khi ra trường có giấy phép lái xe họ sẽ là những lái xe giỏi, có đạo đức và lái xe an toàn trong suốt cuộc đời.

Với phụ nữ, với những người lớn tuổi cần lắm ở người giáo viên là sự ân cần, cảm thông và chia sẻ… Chỉ là làm công tác tư tưởng để những học viên này bước lên ghế lái với tâm thế chủ động, không gồng cứng bởi quá sợ hãi thì giáo viên đã thành công.

Tôi vẫn nhớ mãi lời nhà báo trong quá trình học lái xe nói nhỏ với tôi: “Anh phải làm sao để học viên họ xem anh như người anh, người bạn, là chỗ dựa tinh thần và nơi họ đặt niềm tin chứ không phải là sự sợ hãi, hay đối phó… họ sẽ tiếp thu bài học rất nhanh.

Ngược lại, chỉ là động tác kéo và nhả phanh tay, hay cách bàn tay đặt trên vô lăng sao cho mềm mỏng mà linh hoạt… nhưng anh chỉ biết chê và so sánh với các học viên khác thì chỉ khiến học viên bị ức chế và việc tiếp thu bài học trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Chính vì vậy, muốn có những lái xe tốt, lái xe an toàn thì phải có hệ thống dạy lái xe chuẩn mực. Trường, lớp phải đàng hoàng, giáo viên phải chuẩn mực. Phải có trường đào tạo giáo viên dạy lái một cách chuyên nghiệp để rèn giũa tạo ra một người thầy chuẩn về đạo đức, có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn sâu rộng.

Giá như nghề dạy lái xe được đào tạo bài bản

Tôi bước vào dạy lái từ năm 2011 đến nay, đã qua biết bao nhiêu lớp, bao nhiêu học viên đã ra trường chạy xe khắp mọi miền đất nước. Họ cũng cho tôi biết bao nhiêu bài học quý giá để tôi biết nghề giáo viên dạy lái cao quý thế nào và cũng khó khăn đến nhường nào.

Đã bao nhiêu năm rồi tôi vẫn không ngừng mơ ước, giá mình được đào tạo bài bản ngay từ ngày đầu, giá mà mình được học cao đẳng, đại học rồi về làm nghề có lẽ sẽ tốt hơn biết bao nhiêu…

Kinh nghiệm cho thấy người giáo viên dạy thực hành lái xe cho dù lái xe giỏi đến mấy chăng nữa nhưng không có trình độ, khả năng truyền đạt, kiến thức sư phạm, nhất là khả năng hiểu, đánh giá tâm lý người học không có… thì rất khó thành công.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *