Hoạt động kiểm toán giúp ngân sách tiết kiệm chi hàng nghìn tỉ đồng

Chủ tịch Quốc hội trao tặng Huân chương Lao động hạng ba cho Kiểm toán Nhà nước – Ảnh: KTNN

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh từ khi thành lập đến nay, thông qua các hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tiết kiệm chi hàng nghìn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và xử lý nhiều sai phạm, hỗ trợ hiệu quả công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện những bất cập trong quy định, chính sách, có những kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách về tài chính công, tài sản công…

Phát huy những kết quả đạt được nêu trên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước cần nắm vững và thực hiện đúng chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

“Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cần quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính.

Cụ thể ngành kiểm toán phải luôn nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải “đúng vai thuộc bài”, thực sự am hiểu và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, pháp luật, quy chế, quy định, đặc biệt phải rất công tâm, khách quan, trong sáng; phải sử dụng và kiểm soát có hiệu quả quyền lực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó” – ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo ông Ngô Văn Tuấn – tổng Kiểm toán Nhà nước, 30 năm qua hoạt động kiểm toán tập trung vào những vấn đề được dư luận, cử tri cả nước quan tâm, các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 740.000 tỉ đồng.

Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí.

Thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước mong muốn và kỳ vọng sẽ có sự phát triển đột phá để phấn đấu trở thành cơ quan kiểm toán tối cao việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiểm soát quyền lực.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *