Để đối phó với căng thẳng quá mức, nhiều người thường tìm cách tự xoa dịu bản thân bằng đa dạng các cách thức, từ ăn uống, ngủ nghỉ, uống rượu hoặc mua sắm.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cảnh báo rằng việc mua sắm quá đà sẽ không giúp ích gì về lâu dài. Họ gọi hành vi này là “chi tiêu khi tuyệt vọng” (doom spending) và xuất hiện khi con người cảm thấy cần được xoa dịu nhờ mua sắm.
Theo khảo sát từ công ty tài chính cá nhân của Mỹ Credit Karma vào tháng 10, hơn 1/4 số người Mỹ thừa nhận đã “chi tiêu khi tuyệt vọng” do lo ngại về lạm phát, chi phí sinh hoạt, tình hình quốc tế và bầu cử. 37% gen Z và 39% thế hệ Millennials cho biết họ đã rơi vào tình trạng này.
Điều này đặc biệt đáng lo ngại, bởi theo báo cáo năm nay của công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Bankrate, 1/3 người Mỹ không có khoản tiết kiệm ngắn hạn. 38% gen Z và Millennials tin rằng việc xây dựng tài sản tài chính ngày nay khó khăn hơn so với thời cha mẹ họ do tình hình kinh tế.
Tạp chí Fortune đã đưa ra một số lời khuyên từ các chuyên gia để kiềm chế và kiểm soát việc “chi tiêu khi tuyệt vọng” này.
Đặt giới hạn chi tiêu
Bà Hanna Grichanik, cố vấn tài chính cá nhân, cho rằng cắt giảm hoàn toàn việc chi tiêu cá nhân khi căng thẳng không phải là giải pháp toàn diện, và cũng không thực tế.
Thay vào đó, khi bạn cảm thấy “thèm” mua sắm, bà gợi ý bạn hãy đặt ra quy định chỉ mua sắm khi được áp điểm thưởng, có phiếu giảm giá hoặc mã khuyến mãi ở mức càng cao càng tốt.
Lập kế hoạch mua sắm một cách có kiểm soát với ưu đãi giảm giá có thể biến mua sắm thành trò chơi nhỏ, và giúp chúng ta hướng tới tư duy tài chính dài hạn. Ví dụ, bạn có thể đặt ra mục tiêu chỉ mua sắm khi xác định chính xác món hàng được giảm giá ít nhất 49%.
Thiết lập mục tiêu tài chính có thể đo lường
Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, tiền bạc vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây căng thẳng cho người Mỹ. Việc áp dụng các thói quen tài chính lành mạnh và tiết kiệm, dù chậm nhưng đều đặn, có thể giảm bớt căng thẳng tài chính trong tương lai.
Bà Angela Fontes, phó chủ tịch về chính sách và nghiên cứu tại Financial Health Network, gợi ý rằng nên dành ra một khoản nhỏ, chẳng hạn 10 USD mỗi tuần, để tiết kiệm.
“Tích tiểu thành đại. Với sự kiên trì và mục tiêu rõ ràng, việc tiết kiệm có thể mang lại hiệu quả”, bà Grichanik nói.
Bà cũng khuyến khích tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia để đầu tư tiền vào các tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao.
Tạo rào cản trước khi chi tiêu
Tương tự như việc một số người khóa điện thoại để tránh lướt mạng xã hội, bà Grichanik đề xuất nên làm điều gì đó để bạn thấy không “tiện” mua sắm nữa.
“Một ví dụ là xóa thông tin thẻ tín dụng đã lưu trên trình duyệt hoặc các ví online”, bà nói.
Tìm đến các hoạt động ý nghĩa khác
Những hoạt động này thường không đòi hỏi chi phí lớn, như gọi điện nói chuyện với bạn bè (qua các ứng dụng OTT), thiền, hoặc tham gia các sự kiện cộng đồng miễn phí như tình nguyện có thể giúp ta cảm thấy có ý nghĩa hơn, từ đó giảm căng thẳng và tăng hạnh phúc, tránh việc phải chi tiêu quá mức để tìm kiếm niềm vui.