‘Chị chị em em’ nơi công sở: Biết ơn vì gặp được đồng nghiệp tốt, kể cả lúc rời công ty

Đi làm văn phòng nhiều chuyện vui buồn – Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ Cười

Từ đồng nghiệp thành bạn thân

Chị Trần Huyền Trân (30 tuổi, ở quận 8, TP.HCM) cho biết khi làm việc ở chỗ mới, ban đầu cũng dè dặt vì phòng ban mình đa số là nữ, sợ lại dính vào drama công sở. Nhưng trong đó, chị để ý có một nữ đồng nghiệp tên Kim Thu khá nhiệt tình và thân thiện với mọi người trong công ty, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp khác về những gì mình có, mình biết.

Chị Trân nhớ có lần được giao làm một dự án cùng chị Thu. Biết chị là người mới, thời gian đầu, Thu tận tình hướng dẫn và cũng chủ động làm nhiều hơn phần việc để Trân đỡ áp lực, dần hòa nhập với công việc mới.

“Không chỉ tôi mà nhiều người trong công ty cũng cảm nhận được chị Thu là người đồng nghiệp thật sự tốt chứ không phải thảo mai (ý nói giả vờ trước mặt người khác – PV)”, Trân nói. Trong công việc, khi có xảy ra sai sót và bị khiển trách, người này không đổ lỗi sang người khác để đẩy trách nhiệm.

Gần hai năm làm việc cùng, chị Trân và Thu dần trở thành bạn thân. Chị Thu không chỉ giúp đỡ chị khi làm việc mà còn là “chuyên gia tư vấn” tình yêu, gợi mở khúc mắc của chị Trân trong những vấn đề ngoài công việc.

“Năm ngoái, bố tôi bệnh phải cấp cứu ở quê mà tôi không đủ tiền đóng viện phí cho bố phẫu thuật. Không biết xoay ở đâu ra hơn 10 triệu ngay lúc đó thì cũng may là chị Thu cho mượn rồi cho trả từ từ”, chị Trân kể.

Có đồng nghiệp tốt, môi trường thoải mái hơn

Mới ra trường và làm việc tại một công ty truyền thông, Thanh Xuân (23 tuổi, ở quận 12) nói mình đang cùng lúc trải qua việc gặp được đồng nghiệp tốt (tên N.) và xấu (tên H.). Do là người mới, Xuân thường được sếp giao làm việc cùng một đồng nghiệp để kềm cặp, chỉ bảo.

“Khi làm với chị N., tôi thấy được học hỏi nhiều thứ lắm. Cái gì không biết, tôi cũng có thể hỏi rồi được chỉ tận tình. Nhiều cái thấy tôi chưa biết làm trong khi deadline cận kề, chị làm giúp luôn nhưng vẫn tính công cho tôi khi báo cáo với sếp”, Xuân kể và cho hay N. cũng hay mời đi ăn uống. Tất nhiên, Xuân cũng đáp lại sự hỗ trợ ấy bằng cách này hay cách khác.

Song khi làm việc với H., những thứ đó biến mất. Biết Xuân nhỏ tuổi, lại là “ma mới”, H. thường bắt nạt, đẩy việc nhiều hơn cho cô dù khó hay dễ. H. cũng không có ý định hướng dẫn người mới, thường xuyên bảo Xuân không biết gì thì nên hỏi người khác.

‘Chị chị em em’ nơi công sở: Biết ơn vì gặp được đồng nghiệp tốt, kể cả lúc rời công ty - Ảnh 2.

“Ai hết lòng thì mình hết dạ. Còn ai xấu, mình hạn chế tiếp xúc” – Ảnh: Tuổi Trẻ Cười

Công việc tốt không quan trọng bằng việc tìm được đồng nghiệp tốt

Tương tự, chị Minh Phương (làm việc tại một trang tin điện tử ở TP.HCM) nói mình có động lực hơn khi được làm việc ở nơi mà cả sếp và đồng nghiệp cả nam lẫn nữ đều hỗ trợ nhiệt tình.

“Các anh chị cho tôi đầu mối để liên hệ người cần, cho đề tài để làm. Mọi người thường quan tâm, hỏi han xem trong quá trình làm việc có gặp khó khăn gì không để mọi người hỗ trợ. Khi công việc gặp trở ngại, đồng nghiệp không đổ lỗi mà chỉ dặn lưu ý để rút kinh nghiệm lần sau, người thì giúp gỡ rối hoặc an ủi”.

Gặp được đồng nghiệp tốt, Minh Phương cảm nhận mình được động viên, có động lực làm việc hơn. Cô gái 28 tuổi bày tỏ rằng biết ơn đồng nghiệp và sếp, nhờ vậy mà môi trường làm việc cũng thoải mái hơn, bớt độc hại.

“Tìm được một công việc tốt không quan trọng bằng việc tìm được đồng nghiệp tốt”, chị Phương nói.

Trong khi đó, chị Huyền Trân thừa nhận mình đã thay đổi suy nghĩ, bớt ác cảm với cái gọi là “chị chị em em” với đồng nghiệp ở công sở. Từ sau khi được người đồng nghiệp tên Thu truyền cảm hứng, chị Trân dần cởi mở hơn với các đồng nghiệp xung quanh, cũng như nỗ lực làm việc để đạt mục tiêu về tài chính thay vì chỉ than vãn như trước kia.

Hiện nay, dù đã chuyển sang công ty khác vì lý do cá nhân, song chị và Thu vẫn giữ mối quan hệ bạn bè thân thiết.

Còn với Thanh Xuân, từ khi mới đi làm cô đã biết ở đâu cũng sẽ có người này người kia. Nhưng xác định đi làm kiếm tiền và trải nghiệm, Xuân cho biết: “Ai hết lòng thì mình hết dạ, còn ai xấu thì hạn chế tiếp xúc”.

Theo Xuân, những điều tốt đẹp được nhận từ đồng nghiệp khiến cô luôn dặn bản thân phải học theo, kể cả việc học cách cư xử khéo léo, sự chăm chỉ “cày cuốc” với công việc mình yêu thích.

“Chị N. làm tôi thấy rằng việc có đồng nghiệp tốt, đi làm cũng thấy vui. Chị dạy tôi hãy tập trung vào bản thân, làm cho tốt việc của mình thay vì bỏ ra thời gian nói xấu, xoi mói người khác”, Xuân chia sẻ.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *