Đang chat vui vẻ với nhóm đồng nghiệp, Hồng Nhi (23 tuổi, nhân viên marketing) lướt thấy Facebook có thông báo mới. “Chị đại” – mẹ cô – bình luận dưới ảnh con gái đăng: “Đi đâu nữa vậy con”.
1.001 thắc mắc của ba mẹ khi xem Facebook con cái
Lần trước, khi cô bình luận qua lại với bạn bè, mẹ cô vào hỏi “sao thức khuya vậy?”. Có khi bà hỏi “sao vậy con?”, khiến cô không biết trả lời thế nào.
Nhất là những status trên Facebook như “muốn đi thật xa”, hoặc nhí nhảnh kiểu “xứng đáng có 10 người yêu”… Kể cả những trào lưu ảo mà cô nhấn nút quan tâm như “ngủ 5 ngày 5 đêm” đều khiến mẹ không yên tâm.
Ban đầu Nhi thấy vui vì mẹ quan tâm. Dần dần, cô ngại và cảm giác mẹ xem mình là trẻ con. Nếu không trả lời, hôm sau trong cuộc gọi mẹ sẽ thắc mắc, hỏi về những tấm ảnh.
Đó là chuyện một năm trước. Còn bây giờ, Nhi chặn Facebook mẹ rồi. “Tôi còn chặn ba, em trai, cả những người anh em họ hàng nữa. Cứ thấy Facebook hiện đề xuất kết bạn với những gương mặt thân quen là tôi chặn”, cô nói.
Khi còn sinh viên, cô không “manh động” chặn Facebook như vậy, vì sợ bị ăn chửi. Đi làm ổn định, đủ lông đủ cánh, cô dần “thoát ly” sự theo dõi của ba mẹ.
Cô giải thích: “Không phải tôi giấu giếm chuyện gì. Mà do trên Facebook chúng tôi dùng từ ngữ, hình ảnh kiểu gen Z, đăng thơ “suy” cho có chuyện để tán gẫu…”.
Nhưng ba mẹ cô cho đó là vấn đề, nghĩ rằng con có chuyện buồn dữ lắm hoặc thất tình. Khi cô nói mình ổn thì nhận được lời khuyên lo làm nghe con, đừng có vẩn vơ khổ cả đời.
Nhi kể, khi ba mẹ phát hiện gái cưng chặn Facebook thì hờn dỗi không hề nhẹ. Còn cô thấy phơi phới khi không còn camera “chạy bằng cơm” quét qua quét lại Facebook mình nữa.
Riêng việc không kết bạn Facebook với họ hàng là do cô ngại bị để ý. Có dịp gặp, thế nào mọi người cũng hỏi đon hỏi ren, đồn linh tinh với những status thất thường của cô.
Bó tay vì con “ẩn thân” trên mạng lẫn ngoài đời
Trường hợp Nhi không ảnh hưởng nhiều đến mối quan hệ gia đình, nhưng với vợ chồng chị T.Hà và anh Vân (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) thì khác.
Cùng làm ngành hàng không, kinh tế ổn định, hai vợ chồng có cậu con trai thuộc dạng cầu tự. Ngày con còn nhỏ, chị đi đâu con không rời nửa bước.
Càng lớn, mối quan hệ mẹ con càng nhạt dần. Nhiều lúc anh chị ngồi tự kiểm xem có khiếm khuyết trong cách dạy con không.
“Nhưng ngoài những lặt vặt như quan tâm thái quá chuyện ăn uống, giờ giấc, đi đứng của con, vợ chồng tôi tự tin là tấm gương về khoản thương yêu con cái”, chị bộc bạch.
Ở chiều ngược lại, con học giỏi, biết tự lập. Vậy mà không hiểu sao, sự gắn kết, đầm ấm không còn nữa. Con hạn chế nói chuyện với ba mẹ, từ giao tiếp trực tiếp đến qua điện thoại và các ứng dụng Facebook, Zalo.
Anh chị gửi lời mời kết bạn Facebook, con không chấp nhận. Họ vào trang cá nhân của con thì để chế độ bạn bè mới xem được.
Nhiều khi chiều về trễ hoặc đi công tác, anh chị gọi hỏi thăm, nhưng ít khi con nghe máy. Con giải thích chỉ xài Zalo, khi ba mẹ gọi thì trục trặc mạng. Muốn gọi, chị phải dặn trước là đừng tắt chuông.
Chị kể: “Nhiều lần tôi nhẹ nhàng hỏi con không thích nghe phải không. Con trả lời nhẹ hẫng là ba mẹ đừng để ý quá. Trước thái độ con, vợ chồng đành an ủi nhau chắc do khoảng cách thế hệ”.
Dần dần chị nhận ra đó là phản xạ của con. Càng quan tâm, con càng thu mình. Có lúc con không xem tin nhắn với lý do bận học, nhưng chị thấy con vẫn online.
Con về trễ, chị nhắn cả chục tin nhưng lúc lâu sau con hờ hững trả lời. Đi về, con ào vào phòng đóng kín cửa.
Cuối THPT, con ít nói hơn, “cố thủ” trong phòng. Chuyện thật cần thiết con mới mở lời, như tiền mua sắm món gì đó…
Những lúc gia đình quây quần, chị tìm cách hỏi han nhưng con lơ đễnh, chăm chăm vào điện thoại. Chị hỏi về bạn bè, con giật mình thưa thốt hoặc trả lời không đầu không đuôi. Chị chỉ biết mơ hồ về bạn thân của con, lỡ có chuyện gì không biết hỏi ai.
“Nhìn vào thì thấy quan hệ mẹ con vẫn bình thường. Nhưng con ngày càng xa cách”, chị kể.
Cũng vậy, con gái anh Sang (ngụ quận Bình Thạnh) mỗi khi thấy điện thoại hiện tên cuộc gọi, tin nhắn cha mẹ là ám ảnh. Con sợ cha mẹ truy vấn, hỏi han.
Con còn chặn Facebook anh, khi hỏi thì nói không xài nữa. Nhưng anh biết con vẫn liên lạc bạn bè qua những ứng dụng này.
Có những ngày tan học, con không muốn anh đưa đón mà tự đặt xe ôm công nghệ. Mấy lần anh hỏi số điện thoại bạn thân nhưng con kiếm cớ không cho.
Có nhóm Zalo gia đình nhưng con như “tàng hình”
Với nhóm Zalo gia đình, có cả ông bà nhưng Nhi chỉ lặng lẽ “seen” (đã đọc tin nhắn, xem hình). Hoặc cùng lắm cô gửi những biểu tượng chúc mừng sinh nhật khi Zalo thông báo.
Theo Nhi, nhóm chat là nơi cô xem hình ông bà, ba mẹ chụp gửi vào. Em trai cô cũng hiếm khi xuất hiện trong nhóm toàn các “bô lão” này.