Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một chiếc xe tải đặc biệt đang di chuyển các khối bê tông để thay đổi bố cục đường trên cầu Auckland Harbour (New Zealand) – Video: Cơ quan Giao thông New Zealand
Mật độ giao thông thay đổi liên tục trong cả ngày, nhưng bố cục đường thường cố định. Do đó đôi khi có thể dẫn đến tắc đường trong một số khung giờ nhất định.
Chẳng hạn, trong khung giờ đi làm, hướng từ ngoại thành vào nội thành có thể tắc nghẽn trong khi chiều ngược lại thì rộng thênh thang. Tuy nhiên, dải phân cách không thể tự động nhích về phía phần đường rộng hơn để tạo không gian thoáng hơn cho phần đường đông đúc.
Tuy nhiên, trên thế giới, một số tuyến đường có thể thay đổi cấu hình chỉ trong thời gian rất ngắn để đáp ứng các nhu cầu giao thông khác nhau. Một video về đoạn đường như vậy đã trở nên lan truyền trên mạng xã hội.
Trong video, một chiếc xe chạy dọc cầu cảng Auckland của New Zealand. Trong quá trình đó, chiếc xe như thể đang “nhai” một con rắn bê tông, rồi sau đó lại thả “con rắn” đó sang bên cạnh.
Thực chất đây là chiếc xe đặc biệt được thiết kế để di chuyển dải phân cách. Sau khi xe thả các khối bê tông xuống, dải phân cách mới nay cách vị trí ban đầu chừng một chút. Điều này giúp những người đang di chuyển trên phần đường đông đúc “dễ thở” hơn.
“Cỗ máy này di chuyển các dải phân cách trên cầu cảng Auckland để giúp mọi người di chuyển hiệu quả”, Cơ quan Giao thông New Zealand giải thích trong văn bản đi kèm video.
Chiếc xe có hai động cơ, đi như con cua và có thể nâng 16 khối bê tông nặng 750kg cùng một lúc. “Chúng tôi thay đổi làn đường để phân bổ luồng giao thông hợp lý”, cơ quan này cho biết.
Video đã thu hút nhiều lượt xem trên mạng xã hội, nhiều người bình luận khen chiếc xe tải rất tuyệt vời, và kỳ vọng nơi mình sống sẽ có chiếc xe tương tự.
Song thực tế, kiểu đường động và chiếc xe tải này đều không phải điều mới. Xe di chuyển dải phân cách đã hoạt động trên cầu New Zealand từ năm 1990.
Một số thành phố khác cũng có cấu trúc tương tự, có thể kể đến Sydney ở Úc và San Francisco và San Diego ở Mỹ.
Trong khi đó, một số cư dân mạng lại cho rằng có thể sử dụng tín hiệu đèn để thay đổi hướng làn đường, cho phép những người đi từ chiều đông có thể di chuyển trên làn ngược lại trong một khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, công ty sản xuất chiếc xe tải trên cho biết đèn từng được sử dụng vào những năm 1970-1980 để đảo ngược hướng các làn đường trung tâm trong giờ cao điểm. Nhưng đã có tới 10 trường hợp tử vong do va chạm trực diện trong giai đoạn 1984-1988. Do đó, chính quyền đã đưa ra quyết định cần có một dải phân cách “động” để đảm bảo cho người tham gia giao thông.
Hệ thống ban đầu tồn tại trong 19 năm, được thay thế bằng hệ thống hiện tại vào năm 2009. Hệ thống này có thể di chuyển dải phân cách cứng ở tốc độ 16km/h và lắp lại toàn bộ dải phân cách dài 2,2km trong khoảng 20 phút.