Sáng 12-12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 20, với đa số đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp tại thủ đô.
Theo nội dung nghị quyết, Hà Nội sẽ hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 chạy vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực.
Hà Nội cho biết sẽ thí điểm khu vực phát thải thấp ở một khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình từ năm 2025. Sau đó, phạm vi quy định vùng phát thải thấp sẽ áp dụng tại nhiều khu vực ở Hà Nội.
Sẽ phù hợp hơn nếu có chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sau khi nắm bắt được thông tin Hà Nội dự kiến sẽ cấm, hạn chế xe máy không đạt chuẩn tại một số khu vực từ năm 2025, anh Vũ Tiến Đạt (Hà Nội, hiện làm người giao hàng) nói: “Tôi thấy quyết định cấm, hạn chế xe máy cũ là chưa được hợp lý, bởi dân mình đa số đi lại bằng xe máy là nhiều. Cơ quan chức năng cần phải nhìn vào thực tiễn xem có phù hợp hay không.
Hiện nay giao thông công cộng của chúng ta còn chưa được đồng bộ và đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Chưa kể việc Hà Nội rất nhiều ngõ ngách, nếu không có xe máy thì rất bất tiện cho những người làm công việc giao hàng như tôi”.
Tuy nhiên, theo anh Đạt, nếu chính quyền Hà Nội có chính sách để hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe máy cũ sang xe điện thì sẽ hợp lý hơn, bởi việc chuyển sang xe điện sẽ góp phần cải thiện ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường.
Anh Đỗ Anh Việt (Hà Nội) cho rằng việc Hà Nội hạn chế xe máy là xu hướng tất yếu, bởi hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Tuy nhiên, theo anh Việt, Hà Nội phải xây dựng lộ trình cụ thể, bởi nếu thực hiện ngay sẽ gây tác động lớn rất nhiều người dân thủ đô.
“Ngoài ra tôi nghĩ việc Hà Nội cần phải làm ngay là cấm toàn bộ xe buýt chạy bằng dầu, đặc biệt là những xe buýt đã quá cũ. Nhiều khi đi ngoài đường thấy những xe buýt này xả khói đen kịt, rất ô nhiễm” – anh Việt nói.
Phải có lộ trình, gấp quá người dân sốc
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 12-12, ông Bùi Danh Liên – nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội – cho biết việc cấm xe máy gây ô nhiễm vào nội đô đã được một số nước lân cận Việt Nam thực hiện từ nhiều năm nay, đặc biệt là tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Hà Nội áp dụng, ông Liên nói phải đánh giá xem có phù hợp với thực tế xã hội Việt Nam hay không.
“Hoàn cảnh mỗi đất nước là khác nhau. Chúng ta phải xem xét để làm thế nào phù hợp với tình hình địa phương, mật độ dân số. Chúng tôi ủng hộ việc cấm xe máy gây ô nhiễm, tuy nhiên phải làm từ từ, có lộ trình, phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Nếu đùng đùng làm ngay sẽ gây sốc cho người dân, xã hội” – ông Liên nói.
Ông Liên đánh giá việc cấm xe máy cũ sẽ rất khó khăn đối với khu vực nội đô Hà Nội, bởi đây là phương tiện chính của người dân. Vì vậy, nếu chưa có xe cộ, phương tiện công cộng thay thế, việc cấm xe máy là rất khó khả thi, gây khó khăn cho người dân.
“Phải xem xét thật kỹ, làm sao phải tạo thuận lợi tối đa cho việc đi lại của người dân. Bởi thực sự hiện nay đa phần người dân là người lao động nghèo, không phải ai cũng có đủ điều kiện để chuyển sang xe điện hoặc mua một chiếc xe máy đắt tiền” – vị nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội nói.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao Thông Vận Tải – cho rằng quan điểm cấm xe máy, cấm ô tô để giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm là rất tốt về mặt mục tiêu, tuy nhiên phải hết sức cân nhắc những tác động tới đời sống của người dân.
Theo ông Thủy, xe máy là phương tiện rất nhỏ gọn, thuận tiện cho người dân, trong điều kiện đa phần người dân đều là dân lao động có thu nhập chưa cao.
Ông nêu thực tế hiện có những người dân mua chiếc xe máy chỉ 5 triệu đồng để làm ăn, đôi khi đó là cả gia tài, vì vậy nếu cấm xe máy thì nhiều dân nghèo sẽ rất khó khăn.
Số xe máy hoạt động trên 10 năm ở Hà Nội chiếm 72%
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, đến tháng 4-2024 Hà Nội có trên 8 triệu xe cộ, trong đó hơn 1,1 triệu ô tô, khoảng 6,9 triệu xe máy.
Điều đáng nói, số xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm hơn 72%, làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên.
Hà Nội cho biết hiện nguyên nhân dẫn tới việc ô nhiễm không khí ở thủ đô chủ yếu là phát thải từ xe cộ chiếm 58-74% tùy từng thời điểm (phương tiện phát thải chính là xe máy, tiếp đến là xe tải và taxi) và nguồn bụi đường.
Đại biểu HĐND TP đề nghị phải đánh giá tác động xã hội
Thảo luận trước khi bấm nút thông qua nghị quyết sáng 12-12, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng đây là nghị quyết quan trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân thủ đô.
Vì vậy trước khi áp dụng vùng phát thải thấp, ông Đức đề nghị các cơ quan phải đánh giá được tác động kinh tế xã hội, đặc biệt với người dân khi phải chuyển đổi xe gây ô nhiễm sang phương tiện xanh.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho hay dự thảo nghị quyết đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các sở ngành, quận huyện và người dân. Kết quả lấy cho thấy người dân cơ bản đồng tình.
Ông Nguyễn Phi Thường – giám đốc Sở Giao thông vận tải – nói nghị quyết mới nêu nguyên tắc ban đầu về cơ chế chính sách hỗ trợ người dân sống trong vùng phát thải thấp.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 11-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết sẽ nghiên cứu chính sách đổi xe, hỗ trợ đổi xe máy sang xe điện, giảm giá vốn vay, để cơ bản người dân trong vùng phát thải thấp đi xe điện, loại bỏ việc đi xe máy.
Tuy nhiên, việc Hà Nội có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi xe máy sang xe điện ra sao TP vẫn chưa có phương án cụ thể.