Thông tin về việc Honda và Nissan thảo luận sáp nhập đã nhanh chóng gây chú ý. Bởi nếu điều này xảy ra, đây sẽ là vụ sáp nhập lớn nhất kể từ thời Stellantis ra đời. Đồng thời có thể thay đổi top 3 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo doanh số. Dựa trên báo cáo năm 2023, top 3 đang có Toyota, Volkswagen và Hyundai-Kia.
Trước thông tin này, ông Mitsuhiro Kunisawa, chuyên gia đánh giá ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, cũng là thành viên của Hội đồng xét duyệt Xe của năm ở quốc gia này, đã chia sẻ những đánh giá của mình trên trang web cá nhân cũng như với tạp chí ô tô lớn nhất Nhật Bản Best Car Web (xét theo lượng phát hành).
Honda cần bỏ ra hàng trăm nghìn tỉ đồng để cứu Nissan
Theo bài đăng, ông cho rằng Honda là lựa chọn duy nhất có thể cứu vãn Nissan, nhất là khi tình hình tài chính của hãng đang gặp nhiều khó khăn.
Hồi tháng 8, ông Mitsuhiro Kunisawa từng viết một bài với tiêu đề “Honda có định tiếp quản Nissan không?”. Khi đó, nếu muốn mua 51% cổ phần của Nissan, Honda cần bỏ ra khoảng 855 tỉ yen (gần 142 nghìn tỉ đồng).
Nhưng vào thời điểm khi thông tin Honda-Nissan sáp nhập được tung ra, hãng chỉ cần bỏ ra khoảng 625 tỉ yen (103,5 nghìn tỉ đồng) do giá cổ phiếu Nissan sụt giảm. Vốn hóa thị trường của Honda là 6,78 nghìn tỉ yen. Như vậy số tiền cần bỏ ra tương đương 1/10 giá trị công ty.
Với lợi nhuận giữ lại tích lũy (số tiền còn lại sau khi phân chia cổ tức cho các cổ đông, nộp thuế và trừ đi các khoản lỗ, được tích lũy qua các năm-PV) lên tới 10.000 tỉ yen, Honda hoàn toàn đủ khả năng đầu tư 500 tỉ yen (83 nghìn tỉ đồng) trong 3 năm tới để tái thiết Nissan.
Rủi ro cho Honda?
Tuy nhiên, ông Mitsuhiro Kunisawa cũng đánh giá việc sáp nhập này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho Honda.
Lý do là Nissan đang mang trên mình 3 “gánh nặng” chính. Đầu tiên là bộ máy lãnh đạo cũ kỹ, trì trệ – rào cản lớn cho bất kỳ nỗ lực cải cách nào. Việc sa thải những lãnh đạo này dường như bất khả thi do ràng buộc bởi các hợp đồng phức tạp. Điều này lý giải cho những quyết định bổ nhiệm khó hiểu gần đây tại Nissan.
Thứ hai là sự hiện diện của các quỹ đầu tư, hay còn gọi là “cổ đông lớn”. Các quỹ này thường mua cổ phần của các công ty đang gặp khó khăn, sau đó gây áp lực để tăng giá cổ phiếu rồi bán ra kiếm lời. Việc này sẽ gây khó khăn cho quá trình tái cấu trúc của Honda.
Thứ ba, giá cổ phiếu Nissan chắc chắn sẽ tăng vọt khi tin sáp nhập được xác nhận. Theo Nikkei Asia, ngay sau khi có thông tin về khả năng sáp nhập, cổ phiếu Nissan đã tăng 23,7%.
Điều này đồng nghĩa với việc Honda sẽ phải chi nhiều hơn số tiền ông Mitsuhiro Kunisawa ước tính trước đó để mua lại 51% cổ phần.
Vị chuyên gia này nói rằng thông thường, một doanh nghiệp sẽ đợi Nissan phá sản rồi mới mua lại. Khi đó, giá cổ phiếu sẽ rất thấp, các hợp đồng ràng buộc với ban lãnh đạo cũ cũng được xóa bỏ.
Do đó ông cho rằng việc Honda “giải cứu” Nissan có tác động từ chính phủ Nhật Bản, tương tự như trường hợp Renault tiếp quản Nissan trên bờ vực phá sản và gửi Carlos Ghosn đến trước đây. Nếu Nissan thực sự phá sản chỉ trong khoảng hơn một năm nữa như những dự tính trước đó, nền công nghiệp ô tô Nhật Bản có thể đứt gãy nghiêm trọng.
Nhìn chung, theo ông Mitsuhiro Kunisawa, vụ sáp nhập sẽ mang lại lợi ích lớn cho các quỹ đầu tư, khi họ có thể thoái vốn ở mức giá cổ phiếu cao. Ngược lại, nếu Nissan phá sản, những quỹ này sẽ thiệt lớn. Với Honda thì ngược lại. Việc Honda sáp nhập với Nissan ở thời điểm hiện tại dường như bất lợi hơn cho Honda so với việc chờ Nissan phá sản.