Hãng xe điện Trung Quốc Jiyue – thành lập với sự hợp tác giữa hai gã khổng lồ Geely và Baidu – đã bất ngờ tuyên bố giải thể chỉ hai ngày sau khi tin đồn về việc công ty đang lâm vào cảnh khó khăn được lan ra.
Sự sụp đổ của Jiyue đã gây chấn động trong ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc, khiến nhiều người lo ngại cho số phận của những công ty khác.
“Thai nghén” từ hai ông lớn, sụp đổ trong nháy mắt
Sự hợp tác giữa “gã khổng lồ” công nghệ Baidu và Tập đoàn ô tô Geely đã tạo nên Jiyue, một thương hiệu xe điện đầy triển vọng. Ban đầu Baidu nắm giữ 55% cổ phần và Geely sở hữu 45%. Tuy nhiên sau khi tái cấu trúc do không thể lấy được giấy phép sản xuất ô tô, Geely đã nắm giữ 65% cổ phần, còn Baidu nắm 35%.
Năm 2023 Jiyue ra mắt mẫu xe đầu tiên – Jiyue 01 – đối thủ cạnh tranh của Tesla Model Y. Tiếp theo đó là mẫu sedan Jiyue 07. Mẫu này nhanh chóng giành được giải thưởng thiết kế Red Dot có tiếng trong ngành sau khi ra mắt.
Tuy nhiên doanh số bán hàng của Jiyue lại không đạt như kỳ vọng. Tính đến thời điểm hiện tại, Jiyue chỉ bán được 13.834 xe trên toàn Trung Quốc trong năm nay.
Ngày 10-12 có tin đồn lan trên mạng xã hội Weibo rằng Jiyue đang đứng trước nguy cơ giải thể. Tuy nhiên CEO Xia Yiping chỉ thừa nhận trong một cuộc họp rằng công ty đang gặp khó khăn, do đó cần cắt giảm nhân sự, chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động.
Chỉ hai ngày sau, 12-12, Jiyue chính thức tuyên bố giải thể. CEO Xia Yiping thừa nhận khó trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên. Điều này đã thổi bùng cơn giận dữ của người lao động. Họ vây quanh CEO yêu cầu câu trả lời thỏa đáng. Sau đó họ lấy đi các thiết bị văn phòng của công ty.
Có thông tin cho rằng có sai phạm tài chính nghiêm trọng tại Jiyue. Theo truyền thông Trung Quốc, giám đốc tài chính Liu Jining cùng gia đình được cho là đã bỏ trốn sang Singapore, mang theo sổ sách của công ty.
Theo thông tin của Caixin, hồi tháng 10-2024, Baidu đã cử một đội điều tra tài chính đến Jiyue để thẩm định trước khi đầu tư thêm 3 tỉ nhân dân tệ (412 triệu USD). Tuy nhiên, họ đã phát hiện ra một lỗ hổng tài chính lên tới 7 tỉ nhân dân tệ (962 triệu USD) không rõ nguyên nhân. Do đó họ quyết định không đầu tư vào công ty nữa.
Car News China cho biết thêm rằng CEO Xia Yiping có thể đã trả quá cao cho các nhà cung cấp. Khoảng 70% tổng số linh kiện mà Jiyue sử dụng là từ Geely. Tính đến tháng 2-2024, Jiyue đã nợ công ty mẹ hơn 200 triệu USD tiền linh kiện.
Chưa hết, nhiều công ty truyền thông được ký hợp đồng để quảng bá trên mạng xã hội và đến nay chưa được thanh toán. Những chủ nợ này cũng đã bao vây trụ sở công ty.
Thêm dầu vào lửa
Các KOL Trung Quốc càng khiến tình hình thêm bất ổn khi tiết lộ những thông tin xấu.
Chỉ một ngày sau khi Jiyue thông báo giải thể, blogger xe Han Lu cho biết tháng trước anh đã mua một chiếc Jiyue 07 với giá hơn 31.600 USD. Giờ, khi anh mang xe đến các đại lý bán lại, họ chỉ thu mua với mức giá 2.750 USD – chưa bằng 1/10 giá ban đầu.
Blogger xe Jia Gong khuyên người dùng nên bán xe Jiyue càng sớm càng tốt. Không có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất, các tính năng thông minh trên xe sẽ sớm bị vô hiệu hóa. Đặc biệt, ông khuyên các chủ xe sử dụng các chức năng khóa NFC và UWB càng sớm càng tốt, bởi khi hạ tầng mạng bị cắt, ứng dụng Bluetooth trên điện thoại sẽ không thể mở khóa và mở cửa xe.
Ngoài KOL, cách đây vài ngày, Yang Yueqing, giám đốc kỹ thuật dự án của HiPhi – hãng xe điện Trung Quốc khác mới sụp đổ hồi đầu năm, khuyên nhân viên nên chạy sớm và chủ xe nên bán tháo ngay.
Geely và Baidu nói gì?
Baidu và Geely đã nhanh chóng phản hồi trước tình hình bất ổn này. Hai công ty cam kết sẽ hỗ trợ Jiyue thanh toán các khoản đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ dịch vụ hậu mãi cho khách hàng hiện tại và bồi thường cho những công nhân bị mất việc.
Một kế hoạch tái cấu trúc đã được trình bày cho các cổ đông. Thế nhưng vẫn chưa rõ liệu kế hoạch này có thể cứu vãn được công ty hay không.
Nếu Jiyue phá sản, đây sẽ là start-up ô tô Trung Quốc tiếp theo sau Human Horizons không thể tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường nội địa.