Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của chủ nhà trọ, người thuê trọ và cơ quan chức năng xung quanh việc này.
Quá tải ở các xưởng làm thang thoát hiểm
Ghi nhận của Tuổi Trẻ vào sáng 12-7, tại xưởng cơ khí của anh Trần Hải Vân (44 tuổi) trên phố Hồng Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có 3 – 4 công nhân đang cặm cụi, hối hả cắt inox, xì hàn… làm thang thoát hiểm để kịp giao, lắp đặt cho khách hàng. “Khách họ hối nhiều quá. Có những thang khi mình đến khảo sát, đo xong xuôi khách phải đợi một tháng mới lắp được vì công việc quá dồn dập” – anh Vân nói.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung – giám đốc Công an thành phố Hà Nội – trong cuộc họp báo ngày 8-7 cho biết Công an Hà Nội đã yêu cầu 16.479 nhà trọ và 22 chung cư mini trên địa bàn phải dừng hoạt động vì không đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Số lượng nhà trọ trong diện phải yêu cầu tạm dừng hoạt động rất lớn. Chủ nhà trọ thuộc diện phải tạm dừng hoạt động đang làm gì để “chạy đua” với yêu cầu của TP Hà Nội?
Là chủ nhà trọ 7 tầng nằm trên đường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh Phương cho biết sau khi kiểm tra, lực lượng công an đã yêu cầu phải lắp thang thoát hiểm, họng nước chữa cháy và các thiết bị cảnh báo cháy cho căn nhà trọ, nếu không sẽ bị tạm dừng hoạt động.
Anh Phương đã chạy đôn chạy đáo tìm chỗ thi công, lắp đặt thang thoát hiểm và bổ sung các hạng mục liên quan để đảm bảo các quy định về phòng cháy theo đúng yêu cầu. “Đến nay cơ bản nhà tôi cũng đã đầy đủ, đã chi khoảng 50 triệu đồng để hoàn thiện. Làm xong rồi thấy nhẹ nhõm hẳn” – anh Phương nói.
Anh Đức (chủ một căn nhà trọ ở ngã ba chợ Phú Đô) nói: “Tôi cũng đã kịp thời đi kiếm chỗ để lắp thang thoát hiểm ngay. Giờ bình chữa cháy cũng đã được trang bị đầy đủ, yên tâm tiếp tục được hoạt động”.
Tại một căn chung cư mini 7 tầng cho thuê ở đường Lạc Long Quân (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), những ngày qua, công nhân cũng đang cấp tập hoàn thiện các hạng mục như lắp đặt cửa chống cháy ngăn khói từ tầng để xe vào thang bộ, hệ thống cảm biến báo cháy, họng nước chữa cháy để đảm bảo theo đúng quy định.
Người đi thuê họ trực tiếp sử dụng và ứng xử với tình huống khi có hỏa hoạn. Nên việc tuyên truyền, diễn tập xử lý hỏa hoạn và thoát hiểm cũng quan trọng không kém.
Ông NGUYỄN ĐỨC LẬP (Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản Việt Nam)
Gấp rút khắc phục
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Khuyến – chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) – cho biết hiện quận đang rà soát các căn nhà trọ, chung cư mini không đảm bảo phòng cháy chữa cháy. “Các chủ nhà trọ đang phối hợp với chính quyền để khắc phục.
Hiện các nhà trọ, chung cư mini trên địa bàn quận đang tích cực lắp cửa ngăn cháy, báo cháy tự động, lối thoát hiểm thứ hai…
Hết tháng 7 này, nếu nơi nào không hoàn thiện theo yêu cầu của quận thì chúng tôi mới tính tới việc cho tạm dừng hoạt động” – ông Khuyến thông tin thêm.
Ông Khuyến cho biết quận Tây Hồ hiện có 18 căn chung cư mini không đảm bảo phòng cháy nhưng đến nay đã quá nửa khắc phục xong. Các căn còn lại đang phối hợp với điện lực khắc phục các lỗi nhỏ.
Ông Võ Đăng Dũng – chủ tịch UBND quận Thanh Xuân – cho biết trên địa bàn quận có khoảng 2.800 nhà trọ. Hiện chính quyền đang cho người dân thời gian khắc phục. Nếu chủ các căn nhà trọ, chung cư mini không khắc phục hoặc khắc phục không triệt để trong thời hạn quy định thì quận sẽ yêu cầu tạm dừng hoạt động.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an TP Hà Nội cho biết hiện đơn vị đang phối hợp với các lực lượng chức năng tìm các giải pháp, hướng dẫn các chủ nhà trọ và chung cư mini khắc phục các vi phạm, tồn tại liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy.
“Việc rà soát, xử lý, hướng dẫn người dân khắc phục vi phạm về phòng cháy chữa cháy đã được chúng tôi thực hiện trong thời gian dài, chứ không phải chỉ bây giờ. Trong đó, có sự phân cấp quản lý tại công an quận, huyện và chính quyền xã, phường”, vị lãnh đạo nói.
Sinh viên lo bị “đuổi” ra khỏi phòng trọ
Đang thuê một căn phòng trọ trên phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), bạn Nguyễn Thị Hương Giang (21 tuổi, sinh viên) cho biết rất lo lắng khi biết thông tin căn trọ của mình đang ở thuộc diện buộc phải đóng cửa nếu không khắc phục các quy định về phòng cháy chữa cháy.
“Thật sự giờ tìm được phòng trọ rất khó, những căn nào mà sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, đảm bảo phòng cháy chữa cháy thì giá quá cao, sinh viên như tôi không đủ khả năng để thuê. Còn những căn phòng trọ giá cả hợp lý với túi tiền của chúng tôi thì lại thiếu các hạng mục về phòng cháy. Chỉ mong chủ nhà sớm khắc phục để chúng tôi tiếp tục được ở lại, chứ dời nhà trọ rất khổ” – Giang nói.
TP.HCM: Lo lắng vì khó lắp lối thoát nạn thứ hai
Gần đây, cùng với các hoạt động kiểm tra được tăng cường từ cơ quan chức năng, các chủ nhà trọ ở TP.HCM khẩn trương khắc phục và gia cố các giải pháp an toàn cháy nổ để được tiếp tục hoạt động.
Nhà trọ của ông L.A.N. (TP Thủ Đức, TP.HCM) là dạng nhà ống, có 4 tầng, được xây và cho thuê từ năm 2015 đến nay. Ông N. cũng đã đầu tư lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy cần thiết như hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống báo cháy, bình chữa cháy mini, tiêu lệnh…
Nhưng nhà trọ của ông không có lối thoát hiểm thứ hai và không còn diện tích trống để lắp thêm. Các nhà bên cạnh nhà trọ của ông cũng xây kín, sát vách.
“Tôi lo lắng vì sợ phải đóng cửa. Nhiều người khuyên tôi lắp lối thoát hiểm thứ hai ở mặt trước dãy trọ, nhưng tôi cũng bối rối không biết làm sao cho đúng. Tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về việc lắp lối thoát nạn thứ hai như thế nào, thực hiện cho đúng với quy định để yên tâm kinh doanh”, ông N. nói.
Còn nhà trọ H.H (đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận) mới đây cũng được lực lượng chức năng kiểm tra ghi nhận thiếu lối thoát nạn thứ hai theo quy chuẩn 06:2022.
“Tôi đã gửi đơn đến UBND quận Phú Nhuận đề nghị hướng dẫn lắp lối thoát nạn thứ hai cho đúng quy cách nhưng chưa được hướng dẫn. Sợ mình làm không đúng thì vừa bị vi phạm xây dựng lại vừa không bảo đảm yêu cầu phòng cháy” – ông L.T., chủ nhà trọ, cho hay.
Năm 2919, ông N.T.B. thuê căn nhà trên đường Nguyễn Văn Giai (quận 1) với giá 70 triệu đồng/tháng để kinh doanh cho thuê trọ. Nhà này vốn là nhà ở, dài 14m, rộng hơn 4m, có 5 tầng và 1 hầm để xe. Ở thời điểm xây dựng, nhà đã được thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy.
Thuê xong, mỗi tầng ông B. bố trí ba phòng cho thuê trọ. Ông B. đăng ký kinh doanh diện hộ kinh doanh cá thể và đóng thuế đầy đủ.
“Khi xảy ra vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vào tháng 9-2023, lực lượng chức năng buộc tôi phải lắp thêm lối thoát nạn thứ hai cho nhà này, nhưng tôi không thể đáp ứng nên đành phải trả nhà vào đầu năm 2024, chấp nhận thua lỗ…”, ông B. nói.
Quyết liệt xử lý nhà trọ kiểu “chuồng cọp”
Một cán bộ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM cho hay quá trình kiểm tra lực lượng đều yêu cầu các chủ nhà trọ khắc phục ngay vi phạm. Đối với các nhà trọ mà chủ nhà trọ xây dựng kiểu “chuồng cọp”, tận dụng cơi nới khiến bít lối thoát nạn, không bảo đảm an toàn thì lực lượng kiên quyết xử lý.
Đối với các nhà thuê trọ còn bảo đảm an toàn thì lực lượng đề nghị bổ sung các giải pháp như chiếu sáng, thiết bị báo cháy, loa cảnh báo sự cố, tổ chức diễn tập phòng cháy, nhắc nhở về việc câu mắc điện, sử dụng thiết bị điện…
* Kiến trúc sư TRẦN ĐÌNH DŨNG:
Không cứng nhắc phải có lối thoát nạn thứ hai
Nhà ở tùy theo phân cấp đều có các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế bảo đảm về an toàn kỹ thuật, an toàn phòng cháy, công năng phù hợp nhu cầu ở.
Tuy nhiên đa phần nhà cho thuê trọ được cải tạo, chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình nên luôn tiềm ẩn mất an toàn phòng cháy chữa cháy khi có nhiều người ở. Khi kiểm tra xử lý các nhà cho thuê trọ, cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn để chủ nhà thuê trọ có thể khắc phục các tồn tại. Những công trình nào mất an toàn, không khắc phục được phải quyết liệt yêu cầu ngưng hoạt động.
Về hướng khắc phục các lỗi, các tồn tại về an toàn phòng cháy, tôi cho rằng lực lượng chức năng không nên cứng nhắc bắt buộc các chủ nhà phải bổ sung lối thoát nạn thứ hai theo quy chuẩn 06:2022. Bởi lẽ thời gian qua, quy định tại quy chuẩn này đã bộc lộ sự thiếu phù hợp và đang được các cơ quan chức năng xem xét chỉnh sửa.
Lối thoát nạn thứ hai chỉ là một trong các giải pháp thoát nạn cho công trình. Bên cạnh đó, hành lang thoát nạn, cửa sổ, ban công, tầng thượng… đều là các lối có thể giúp thoát nạn. Khi kiểm tra, cơ quan chức năng cần đánh giá tổng thể các tồn tại của căn nhà cho thuê để hướng dẫn giải pháp tăng cường an toàn.
Về lâu dài, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chuẩn cho công trình nhà ở riêng lẻ để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.
Đà Nẵng: Công trình mới dứt khoát phải đúng quy định phòng cháy chữa cháy
Tại Đà Nẵng, từ năm 2003 đã ban hành quy định tạm thời về quản lý hoạt động kinh doanh nhà trọ, nhà cho thuê trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở các đề xuất của Công an thành phố liên quan đến các quy định phòng cháy chữa cháy, quyết định này quy định diện tích phòng tối thiểu với nhà cho thuê để buộc các chủ trọ không xây, ngăn các phòng quá bé làm dịch vụ cho người khác thuê để hạn chế nguy cơ cháy nổ.
Quyết định này có hiệu lực được 10 năm thì hủy bỏ do không còn phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của trung ương điều chỉnh trong lĩnh vực này.
Theo ông Nguyễn Đức Lập (Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản Việt Nam), so với Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng có nhiều lợi thế về quản lý cơ sở hạ tầng.
Việc phát triển sớm hình thức nhà ở xã hội cho thuê (với khoảng 12.000 căn hộ, chiếm khoảng 79% quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước cho thuê toàn quốc) cũng đã hạn chế được phần nào sức ép trong lĩnh vực nhà trọ, nhà cho thuê.
Tuy nhiên, ông Lập cho rằng việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy áp dụng cho tất cả các loại công trình chứ không riêng lĩnh vực nhà trọ, nhà cho thuê. Người cho thuê phải có trách nhiệm và tuân thủ các quy định là đương nhiên, nhưng cũng cần phải có thêm những quy định hướng dẫn việc phòng cháy từ người sử dụng nhà.
Tại hội nghị về tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện pháp luật về phòng cháy chữa cháy cuối tháng 6 vừa qua, ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết quan điểm của lãnh đạo thành phố đối với các cơ sở, dự án, công trình đã hiện hữu thì cần vận dụng linh hoạt các quy định và đưa ra phương án tối ưu để tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Riêng đối với các cơ sở, dự án, công trình mới thì dứt khoát phải đúng với quy định, quy chuẩn an toàn về phòng cháy chữa cháy.