Phương pháp này hiện đang được truyền tai nhau như một trào lưu. Nhiều người vô tư thực hiện mà chưa tìm hiểu kỹ phương pháp.
Có thể tổn thương dạ dày nghiêm trọng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay ăn mỗi ngày 1 bữa hay còn được biết đến là phương pháp nhịn ăn gián đoạn.
Theo bà Lâm, phương pháp này có thể giúp tổng lượng calo đưa vào cơ thể giảm, giúp giảm cân nặng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Nếu chỉ ăn một bữa trong ngày có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa, do thời gian nhịn ăn quá dài nên dễ cảm thấy đói.
Bữa ăn tiếp theo nếu không kiểm soát được cảm giác thèm ăn dẫn đến ăn quá nhiều, tạo ra quá trình tiết axit dạ dày bất thường, ảnh hưởng đến nhu động đường tiêu hóa.
Tình trạng này kéo dài có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho dạ dày, làm giảm khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, thậm chí gây suy dinh dưỡng, thiếu máu.
Ngoài ra, ngày ăn 1 bữa cũng sẽ làm giảm khối lượng cơ và chức năng cơ. Không những thế, việc bổ sung không đủ vitamin D và canxi trong thời gian dài có thể làm giảm sức mạnh của xương”, bà Lâm cho hay.
Cũng theo bà Lâm, việc nhịn ăn, chỉ ăn 1 bữa 1 ngày còn gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Khi nhịn ăn trong nhiều giờ liên tục có thể khiến lượng đường trong máu xuống mức quá thấp, có thể dẫn đến hạ đường huyết. Bên cạnh đó, sẽ khó tập trung làm việc, suy nhược cơ thể…
Đặc biệt, đối với những người lao động nặng nhọc, lao động trí óc,… nếu không được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ sẽ dễ dẫn đến suy nhược, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống.
“Vì vậy, tốt nhất vẫn nên ăn 3 bữa 1 ngày, có thể chia nhỏ các bữa ăn. Sử dụng những nhóm thực phẩm đa dạng, cung cấp đầy đủ các chất cho cơ thể.
Với người muốn giảm cân, cần kết hợp ăn uống và tập luyện lâu dài. Bên cạnh đó, hạn chế những đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn chứa chất béo không bão hòa. Để giảm cân an toàn, trong vòng 1 tháng chỉ nên giảm 5 – 10% cân nặng. Không nên giảm cân nhanh, đột ngột cũng có thể gây hệ lụy không tốt đến sức khỏe”, bà Lâm khuyến cáo.
Chế độ ăn cực đoan
TS.BS Trần Bá Thoại – ủy viên Ban chấp hành Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam, cố vấn chuyên môn Bệnh viện 199 (Bộ Công an) – cho biết nhiều người lớn tuổi bị bệnh đái tháo đường, nhưng được truyền tai nhịn ăn để giảm lượng đường trong máu, chỉ ăn ngày 1 bữa.
Hậu quả phải nhập viện trong tình trạng hạ đường huyết rất nguy hiểm.
“Ăn ngày 1 bữa là chế độ ăn cực đoan. Những tác hại của nó mang lại khiến nhiều người lầm tưởng nó có tác dụng. Phương pháp này chỉ có thể áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn cho người muốn giảm cân”, TS Thoại cho biết.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn – trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – cũng cho rằng việc nhịn ăn gián đoạn nếu không thực hiện đúng cách sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó có thể gây ra tình trạng chóng mặt do thiếu hụt năng lượng. Thiếu chất dinh dưỡng gây ra các vấn đề sức khỏe như thiếu máu, suy dinh dưỡng.
Chế độ ăn này cũng có thể làm tăng nguy cơ suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ rối loạn ăn uống.
“Nhịn ăn gián đoạn thường được sử dụng như một phương pháp giảm cân và cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp. Vì vậy cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bắt đầu thực hiện”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.