Ông Lê Hữu Toàn – giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang – cho biết Kiên Giang có diện tích trồng lúa lớn, đạt hơn 4,3 triệu tấn năm. Do đó, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn liền với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang sẽ mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất lúa gạo địa phương.
“Kiên Giang sẽ đóng góp vào đề án 200.000ha/1 triệu ha triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp, nâng cao lợi nhuận cho người dân”, ông Toàn nói.
Ông Lê Thanh Tùng – phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhấn mạnh thực hiện đề án trên, nông dân sẽ tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận lên 50%, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, sản xuất bền vững ngành hàng lúa gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội.
Dịp này, Kiên Giang trình diễn thực hành ứng dụng công nghệ tiên tiến trong mô hình thí điểm “Canh tác lúa giảm phát thải, quản lý rơm, nước và phân bón” vụ thu đông 2024 của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp).
Đề án 1 triệu ha lúa sẽ giúp bà con Kiên Giang hưởng lợi
Ông Nguyễn Văn Huỳnh – giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Niên Phú Hòa (ở xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) – cho biết hợp tác xã rất vinh dự khi là đơn vị đầu tiên khởi động đề án với diện tích 50ha (25 hộ tham gia).
Các thành viên sẽ quyết tâm thực hiện đề án này. Đặc biệt, sau khi thu hoạch lúa hè thu 2024, các thành viên trong hợp tác xã cam kết là không đốt rơm rạ mà thay vào đó thu gom, vận chuyển ra khỏi ruộng, xử lý trecdexma.
Sau đó người dân sẽ vệ sinh đồng ruộng, cày, xới và trục để làm phẳng mặt ruộng, tiến hành gieo sạ và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, bao tiêu đầu ra, ổn định cuộc sống.
Qua đó, ông Huỳnh tin rằng đề án trên sẽ tạo ra bước đi bền vững cho ngành hàng lúa gạo và giúp bà con hưởng lợi.