Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vừa thông báo quyết định của hội đồng quản trị về việc cấu trúc lại khoản đầu tư vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited (Mass Noble).
Theo đó, DLG sẽ thoái toàn bộ phần vốn góp của họ tại Công ty Mass Noble. Sau khi hoàn tất thủ tục thoái vốn, Mass Noble không còn là công ty con của Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Phía Đức Long Gia Lai cho biết công ty đã đầu tư hơn 249 tỉ đồng, tương ứng nắm giữ 97,73% vốn điều lệ của Mass Noble.
Hội đồng quản trị Đức Long Gia Lai cũng đã ủy quyền cho tổng giám đốc tìm kiếm, ký kết hợp đồng thuê công ty thẩm định giá nhằm định giá lại giá trị của Mass Noble cho phù hợp với thị trường hiện nay.
Ngoài ra, tìm kiếm đối tác phù hợp để chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Đức Long Gia Lai tại công ty con này với điều kiện giá chuyển nhượng không được thấp hơn mệnh giá và không thấp hơn giá trị sở hữu của DLG tại Mass Noble do công ty thẩm định giá thẩm định.
Hồi giữa năm 2015, thị trường xôn xao với thương vụ DLG mua lại Mass Noble Investments Limited (Mỹ) thông qua hoán đổi cổ phiếu.
Cụ thể, Đức Long Gia Lai phát hành gần 20 triệu cổ phiếu cho các cổ đông của Công ty Mass Noble với giá hoán đổi 12.500 đồng/cổ phiếu.
Thông qua vụ thâu tóm, DLG nắm quyền điều hành công ty, đồng nghĩa với việc trở thành chủ sở hữu công ty sản xuất linh kiện điện tử của Mỹ có nhà máy đặt tại Quảng Đông, Trung Quốc.
Đây cũng là thương vụ đầu tiên đưa DLG chính thức đặt chân vào lĩnh vực sản xuất linh kiện thiết bị điện tử với việc sở hữu nhà máy ANSEN.
Thời điểm đó, truyền thông trong nước mô tả đây là nhà máy sản xuất quy mô lớn được xây dựng trên khuôn viên 40.000m2 với hàng nghìn lao động, tập trung sản xuất, gia công các sản phẩm điện tử viễn thông công nghệ cao như các loại đèn led cao cấp dùng cho nội thất, xe ô tô, đường phố và đường cao tốc; màn hình LCD…
Đức Long Gia Lai đang gánh lỗ lũy kế khủng
Về Đức Long Gia Lai, tập đoàn này vốn là một trong những doanh nghiệp lớn có tiếng tại Gia Lai. Doanh thu của doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực, trong đó sản xuất linh kiện điện tử được coi như ngành nghề chiến lược.
Theo giới thiệu trên website, tập đoàn này có 5 công ty thành viên trụ sở đặt tại nước ngoài, trong đó 2 công ty tại Đông Quản và Thâm Quyến (Trung Quốc), Hong Kong, Hàn Quốc và Mỹ.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần năm ngoái của DLG đạt hơn 1.122 tỉ đồng, nhưng lỗ sau thuế hơn 578 tỉ đồng.
Năm nay, công ty này đặt kế hoạch doanh thu 1.400 tỉ đồng và lãi sau thuế 120 tỉ đồng. Hai năm gần đây nhất, Đức Long Gia Lai tiếp tục báo lỗ, nếu năm nay lợi nhuận không dương trở lại đồng nghĩa với việc đối mặt án hủy niêm yết.
Tại báo cáo tài chính quý 1-2024, DLG báo cáo doanh thu thuần đạt hơn 266 tỉ đồng, lãi sau thuế đạt hơn 35 tỉ đồng, đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lỗ lũy kế tại thời điểm cuối tháng 3 này vẫn ở mức 2.636 tỉ đồng.