Lương cơ sở tăng, quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng thế nào?
Tin tức từ Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, từ ngày 1-7-2024, lương cơ sở được tăng thành 2,34 triệu đồng/tháng theo nghị định số 73/2024 của Chính phủ. Bên cạnh tăng mức đóng bảo hiểm y tế, quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng tăng lên.
Cụ thể, tăng mức chi phí khám chữa bệnh không phải cùng chi trả bảo hiểm y tế từ 270.000 đồng lên 351.000 đồng/lần.
Mức chi trả tối đa cho một lần sử dụng dịch vụ cao, chi phí lớn tăng từ 81 triệu đồng lên 105,3 triệu đồng (tức 45 tháng lương cơ sở).
Đi khám chữa bệnh nội trú tại bệnh viện tuyến huyện không có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng, tăng từ 900.000 đồng lên 1,17 triệu đồng (tức tối đa không quá 0,5 tháng lương cơ sở)
Đi khám chữa bệnh nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh mà không có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tối đa không quá 1 lần mức lương cơ sở, tức tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng.
Đi khám chữa bệnh nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương mà không có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở, tức tăng từ 4,5 triệu đồng lên 5,85 triệu đồng.
Tập đoàn Lộc Trời thay tổng giám đốc
CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) vừa công bố nghị quyết của hội đồng quản trị về việc miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc với ông Nguyễn Duy Thuận. Ông Thuận hiện cũng không còn là đại diện theo pháp luật của LTG.
Thời gian qua, Lộc Trời vướng loạt lùm xùm về việc nợ tiền lúa nông dân và nghi vấn bỏ thầu giá gạo xuất khẩu rẻ.
Trong ngày 16-7, ông Huỳnh Văn Thòn – chủ tịch Lộc Trời, cũng đã có thư ngỏ thông báo về việc thay đổi nhân sự chủ chốt.
Theo đó, ông Thòn sẽ trực tiếp chỉ đạo và điều hành tất cả các hoạt động của tập đoàn này cho đến khi có quyết định bổ nhiệm tổng giám đốc mới.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chủ tịch Lộc Trời mong nhận được sự hỗ trợ của các bên, đặc biệt từ phía ngân hàng để có đủ tiềm lực tài chính, ổn định lại sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo thật bền vững.
“Sau khi ổn định nhân sự, ổn định sản xuất kinh doanh hiệu quả, chúng tôi sẽ hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ đối với tất cả quý vị đúng theo quy định”, ông Thòn viết trong thư ngỏ.
Giá USD tự do quay đầu giảm mạnh
Ghi nhận trên thị trường tự do ngày 16-7, giá USD cả chiều mua vào và bán ra đều giảm mạnh khoảng 90 đồng so với hôm qua. Giá USD được niêm yết quanh mức 25.620 – 25.690 đồng/USD.
Hồi cuối tháng 6, giá USD tự do diễn biến khá căng thẳng khi leo lên mức kỉ lục 26.000 đồng/USD chiều bán ra. Nếu so với vùng đỉnh đã thiết lập, giá USD tự do chiều bán ra đã giảm khoảng 310 đồng.
Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng vẫn trong xu hướng ổn định nhưng vẫn neo ở vùng cao. Tại Vietcombank, nhà băng này đang giao dịch mỗi USD mua vào ở mức 25.207 đồng, còn bán ra 25.457 đồng.
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, bộ phận phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải đối diện với áp lực về tỉ giá trong nửa cuối năm 2024.
Do dự trữ ngoại hối của Việt Nam hạn hẹp trong khi nhu cầu đối với đồng USD thường tăng trong giai đoạn gần cuối năm.
Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro việc tiêu hao dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước không đạt được mục đích kiềm chế đà tăng của tỉ giá. Như vậy, giải pháp sắp tới có thể là Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng tiếp lãi suất trên thị trường mở để thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND trên thị trường liên ngân hang, VDSC dự báo.
TP.HCM nâng cao các tiêu chí đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo
Ngày 16-7, Kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa X đã quyết nghị thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, HĐND TP sửa đổi, bổ sung các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, trong đó tiêu chí thu nhập là 46 triệu đồng/người/năm; tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản là 6 dịch vụ, gồm y tế; giáo dục; việc làm – bảo hiểm xã hội; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
13 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; việc làm; bảo hiểm xã hội; người phụ thuộc trong hộ gia đình; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Theo Nghị quyết thì giai đoạn 2021 – 2025, chuẩn hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/năm từ 46 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Chuẩn hộ cận nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người 46 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Chuẩn hộ có mức sống trung bình là hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người trên 46 triệu đồng đến 69 triệu đồng/người/năm.
Theo UBND TP.HCM, dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 là 15.144 tỉ đồng, trong đó, bổ sung cho 2 năm 2024 và 2025 gần 2.900 tỉ đồng.
6 tháng đầu năm, TP.HCM giảm sâu số người chết vì tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm TP.HCM xảy ra 808 vụ tai nạn giao thông khiến 223 người chết, 539 người bị thương.
So với cùng kỳ năm 2023 số vụ tai nạn giả được 15 vụ, số người chết giảm sâu, giảm 129 người. Tuy nhiên số người bị thương lại tăng hơn 83 người.
Từ đầu năm đến nay cơ quan chức năng cũng đã xóa được 1 điểm đen tai nạn giao thông.
Hiện tại TP.HCM có 24 điểm ùn tắc giao thông, trong đó có 5 điểm đang chuyển biến tốt, 11 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp và 8 điểm không chuyển biến.