Theo Hãng tin AFP, ngày 18-7, đám đông các sinh viên biểu tình chống trả và áp đảo cảnh sát chống bạo động, đuổi theo các cảnh sát đến trụ sở của Đài truyền hình BTV ở thủ đô Dhaka của Bangladesh.
Một quan chức không nêu tên của Đài BTV kể rằng đám đông giận dữ sau đó đã phóng hỏa một tòa nhà của đài và hàng chục phương tiện đậu bên ngoài.
Đài này cho biết “nhiều người” bị mắc kẹt bên trong đám cháy, nhưng một quan chức khác của đài sau đó nói rằng họ đã sơ tán khỏi tòa nhà một cách an toàn.
Vụ việc diễn ra một ngày sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina xuất hiện trên truyền hình để trấn an và cam kết sẽ trừng phạt việc làm chết người biểu tình. Tuy nhiên, bạo lực trở nên nghiêm trọng hơn khi cảnh sát sử dụng đạn cao su và hơi cay để giải tán các đám đông.
Trong ngày 18-7, ít nhất 25 người biểu tình đã thiệt mạng, nâng tổng số người chết trong tuần qua lên 32 người. AFP dẫn thông tin từ các bệnh viện cho thấy đa số người thiệt mạng và bị thương là do súng của cảnh sát. Một số tổ chức cáo buộc cảnh sát sử dụng vũ lực bất hợp pháp.
Làn sóng biểu tình lan rộng khắp Bangladesh trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ, với gần 1/5 trong số 170 triệu dân số không có việc làm hoặc học hành.
Những người biểu tình yêu cầu chính quyền chấm dứt quy định dành 30% công việc công cho gia đình của những người đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971.
Những người chỉ trích nói rằng chính sách này ưu ái con em của các nhóm ủng hộ bà Hasina, người nắm quyền từ năm 2009 và tiếp tục chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư tại cuộc bỏ phiếu vào tháng 1-2024.
Trong những ngày qua, chính quyền Bangladesh đã yêu cầu đóng cửa vô thời hạn các trường học, đại học.
Ngày 18-7, một số dịch vụ mạng di động đã bị cắt, hai ngày sau khi các nhà cung cấp Internet Bangladesh cắt quyền truy cập vào Facebook, nơi hoạt động của nhiều tổ chức chính của chiến dịch biểu tình.
Bộ trưởng viễn thông Zunaid Ahmed Palak nói rằng chính phủ đã ra lệnh cắt mạng bởi mạng xã hội đã “được vũ khí hóa như một công cụ để truyền bá tin đồn, dối trá và thông tin sai lệch”.