Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Cần có giải pháp để kiểm soát tốt an toàn thực phẩm tại trường học, chợ…

Bà Trần Thị Diệu Thúy, phó chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị – Ảnh: N.TRÍ

Bà Trần Thị Diệu Thúy – phó chủ tịch UBND TP.HCM – phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 của ngành an toàn thực phẩm TP, diễn ra ngày 18-7.

Theo bà Thúy, ngành quản lý an toàn thực phẩm TP đã có những cố gắng trong việc xây dựng thực phẩm sạch và loại bỏ thực phẩm bẩn. Sắp tới cần có thêm các giải pháp để tăng hiệu quả về mặt quản lý, đặc biệt là có giải pháp riêng để quản lý an toàn thực phẩm ngay khu vực, địa điểm cụ thể như chợ, cổng trường, khu nhiều khách du lịch…

“Chợ truyền thống, có thể xem xét cấp danh hiệu hay dấu hiệu riêng đối với những quầy sạp được quản lý, kiểm soát tốt, không gian kinh doanh và hàng hóa đảm bảo”, bà Thúy nói.

Theo lãnh đạo UBND TP, ngành quản lý an toàn thực phẩm TP cần bám sát nghị quyết 98 và nội dung trong lĩnh vực để làm tốt hơn nữa, khẳng định với trung ương và tỉnh thành việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là xứng đáng và cần thiết với sức khỏe nhân dân.

Trao đổi tại hội nghị, bà Phạm Khánh Phong Lan – giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP – cho biết sắp tới sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm soát tại chợ, trường học, và đặc biệt là hàng quán vỉa hè, điểm bán thức ăn nhanh.

“Ngoài tăng liên kết với các đơn vị liên quan, chúng tôi sẽ xem xét có giải pháp riêng cho từng trường hợp, lĩnh vực cụ thể như cấp logo chứng nhận cho những điểm bán thức ăn nhanh, thực phẩm đường phố được kiểm soát tốt.

Ngoài ra có thể phân chia từng khu vực, tuyến đường, chia lô ra để quản lý cố định đối với thức ăn đường phố, những điểm bán nhỏ lẻ tại khu chế xuất – công nghiệp”, bà Lan khẳng định.

Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm

Sở An toàn thực phẩm cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM xảy ra 4 vụ liên quan đến sự cố về an toàn thực phẩm. Trong đó, 2 vụ chưa đủ cơ sở kết luận ngộ độc thực phẩm, 2 vụ đang chờ kết luận.

Theo ông Lê Minh Hải – phó giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, địa bàn TP rộng lớn, dân cư đông nên có sự phức tạp trong nguồn cung cấp thực phẩm. Thời gian qua xảy ra nghi ngờ ngộ độc thực phẩm diễn biến khá phức tạp. Tuy nhiên, kết luận nguyên nhân do ngộ độc thực phẩm với tỉ lệ không nhiều.

“Để ngăn ngừa và chủ động xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM là cơ quan đầu mối xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm và đang lấy ý kiến sở, ngành để trình UBND TP.HCM ban hành quy chế theo hình thức là văn bản quy phạm pháp luật.

Khi có quy chế sẽ xác định rõ nội dung công việc của từng đơn vị sẽ thực hiện nếu có xảy ra ngộ độc. Cùng với đó là trách nhiệm, sự phối hợp giữa các đơn vị”, ông Hải nói.

Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết với hơn 250.000 lao động và trên 1.500 dự án, việc quản lý an toàn thực phẩm tại khu chế xuất – công nghiệp rất quan trọng. 

Ngoài ra, sự phối kết hợp, phân quyền giữa các đơn vị liên quan cần xem xét, đẩy mạnh hơn.

“Căn cứ pháp lý lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều qua các quy định cũ nên cần cập nhật và ký lại quy chế phối hợp mới”.

6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra 40.418 cơ sở, phát hiện 1.152 cơ sở vi phạm, xử phạt 407 cơ sở, phạt tiền 350 cơ sở với tổng số tiền 2,9 tỉ đồng.

Tịch thu và tiêu hủy nhiều hàng hóa, thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm bao gồm các loại như: bánh, kẹo, rượu, bia, đường, thực phẩm chức năng…; đình chỉ hoạt động 3 cơ sở, chuyển cơ quan điều tra 1 cơ sở.

TP.HCM cũng đã rà soát 4.080 sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo trên các trang thông tin điện tử kinh doanh qua mạng, phát hiện 63 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm và xử lý.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *