Olympic 2024 sẽ có 32 bộ môn được tổ chức thi đấu. Trong đó, breaking là môn lần đầu tiên ra mắt.
Bắt nguồn từ văn hóa hip hop
Breaking, hay còn gọi là breakdancing, là một phần của văn hóa hip hop bên cạnh graffiti, DJ và rap.
Đây là một thể loại nhảy hiện đại bắt nguồn từ đường phố New York vào cuối những năm 1970. Breaking bắt đầu có những cuộc thi từ thập niên 1990 và liên tục phát triển cho đến nay.
Người biểu diễn cần có sự dẻo dai, sức khỏe cơ bắp, sức bền và khả năng cảm nhận nhịp điệu để tạo nên những tư thế đẹp mắt trên nền nhạc.
Những vũ đạo đa dạng của breaking được xếp vào 3 nhóm yếu tố cơ bản là: top rock (các động tác trong tư thế đứng), freeze (thường là những tư thế kết thúc bài nhảy), down rock (các động tác được thực hiện dưới sàn).
Theo Telegraph, từ cuối những năm 2010, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã có kế hoạch đưa breaking trở thành môn thi đấu tại Olympic như một cách để Thế vận hội đến gần hơn nhóm khán giả trẻ.
Trên thực tế bộ môn này đã xuất hiện tại Olympic trẻ 2018 ở Buenos Aires, nhận được sự hoan nghênh của đông đảo người hâm mộ. Tại Olympic Paris 2024, breaking lần đầu ra mắt.
Làn gió mới tại Olympic 2024
Bộ môn này được tổ chức thi đấu tại Place de la Concorde, Paris. Nội dung dành cho nữ diễn ra ngày 9-8 với 17 VĐV, trong khi 16 VĐV nam sẽ thi đấu vào ngày 10-8. Toàn bộ các trận đấu đều là thi đấu đối kháng.
Với nội dung đơn nữ, các VĐV sẽ được xếp hạt giống, trong đó 2 nữ VĐV hạt giống số 16 và 17 sẽ thi đấu với nhau để tìm ra người bước vào vòng chung kết.
Tại vòng chung kết, 16 VĐV sẽ được xếp vào 4 bảng thi đấu vòng tròn 1 lượt, chọn ra 2 VĐV vào tứ kết, sau đó là bán kết và chung kết. Nội dung đơn nam cũng áp dụng thể thức tương tự.
Tại vòng bảng, mỗi trận đấu của breaking sẽ có 2 hiệp với hội đồng giám khảo 9 người. Hai VĐV sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên để thành bên đỏ hoặc bên xanh. Bên xanh là người sẽ được chọn mình hoặc đối thủ thi đấu trước.
Trận đấu sẽ có 2 hiệp, tại mỗi hiệp từng VĐV sẽ có 60 giây phô diễn kỹ năng trên nền nhạc được DJ chọn trước.
Sau mỗi hiệp, 9 thành viên của ban giám khảo sẽ bỏ phiếu chọn ra người thắng dựa trên các tiêu chí: sự sáng tạo, kỹ thuật, sự đa dạng, tính biểu diễn và khả năng cảm nhạc. Tỉ số mỗi hiệp có thể là 9-0, 8-1, 5-4…
Các VĐV sẽ được xếp hạng dựa trên số hiệp đã thắng, tổng phiếu nhận được từ ban giám khảo và thứ hạng hạt giống.
Bước vào vòng knock-out, số hiệp được tăng lên 3. Các VĐV sẽ chia cặp thi đấu để chọn ra 3 cái tên xuất sắc nhất nhận huy chương.
Nhật Bản và Mỹ được đánh giá là hai đoàn thể thao mạnh ở bộ môn này. Trong khi Mỹ được xem như “quê hương” của breaking, Nhật Bản đã giành 2 HCV ở nội dung đơn nữ và hỗn hợp đồng đội tại Olympic trẻ 2018.
Dù còn xa lạ và vấp phải sự chỉ trích từ những người yêu thích thể thao truyền thống, breaking hứa hẹn sẽ mang đến sự mới mẻ, trẻ trung tại Thế vận hội Paris. Olympic 2024 diễn ra từ ngày 26-7 đến 11-8 tại Paris (Pháp).
Danh sách VĐV môn breaking tại Olympic 2024
– Nội dung đơn nữ: Dominika Banevic (Lithuania), Sunny Choi (Mỹ), Fatima Zahra El-Mamouny (Morocco), India Sardjoe (Hà Lan), Liu Qingyi (Trung Quốc), Rachael Gunn (Úc), Ami Yuasa (Nhật Bản) Ayumi Fukushima (Nhật Bản), Sya Dembele (Pháp), Logan Elanna Edra (Mỹ), Zeng Yingying (Trung Quốc), Kateryna Pavlenko (Ukraine), Antilai Sandrini (Ý), Vanessa Cartaxo (Bồ Đào Nha), Anna Ponomarenko (Ukraine), Manizha Talash (đoàn thể thao người tị nạn), Carlota Dudek (Pháp).
– Nội dung đơn nam: Victor Motalvo (Mỹ), Bilal Mallakh (Morocco), Danis Civil (Pháp), Jeffrey Dan Arpie Dunne (Úc), Philip Kim (Canada), Shigeyuki Nakarai (Nhật Bản), Lee-lou Demierre (Hà Lan), Kim Hongyul (Hàn Quốc), Hiroto Ono (Nhật Bản), Qi Xiangyu (Trung Quốc), Jeffrey Louis (Mỹ), Amir Zakirov (Kazakhstan), Menno Van Gorp (Hà Lan), Sun Chen (Đài Loan, Trung Quốc), Oleg Kuznietsov (Ukraine), Gaetan Alin (Pháp).