Bangladesh tạm bình lặng sau một tuần biểu tình đẫm máu

Thủ đô Dhaka, Bangladesh hoang tàn sau một tuần biểu tình đẫm máu nhằm phản đối quy định tuyển dụng công chức – Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters đưa tin ngày 22-7, Bangladesh dần ổn định hơn sau khi Tòa án tối cao nước này bãi bỏ một số hạn ngạch trong quy định tuyển dụng công chức. Tuy nhiên hệ thống viễn thông vẫn bị gián đoạn trên diện rộng.

Từ đầu tuần trước, làn sóng biểu tình bất ngờ bùng phát trên khắp Bangladesh, trong đó phần lớn người biểu tình là thanh niên, nhằm phản đối các quy định mới trong tuyển dụng công chức tại nước này.

Theo quy định đó, Bangladesh dành 30% vị trí công chức cho con em của các cựu chiến binh đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971. Và điều này làm rất nhiều thanh niên bức xúc vì họ cảm thấy chính sách này ưu ái con em của các nhóm ủng hộ Thủ tướng Sheikh Hasina.

Các thanh niên càng phẫn nộ hơn khi gần 1/5 trong số 170 triệu dân số Bangladesh không có việc làm.

Tháng trước chính phủ của bà Hasina đã khôi phục các hạn chế trong tuyển dụng công chức dù quy định này từng bị bãi bỏ hồi năm 2018. Thế nhưng, cũng theo Reuters, kể từ năm 2018, 56% các vị trí trong Chính phủ Bangladesh bị hạn chế theo nhiều hạn ngạch khác nhau, càng gây khó khăn cho những thanh viên mới ra trường.

Tính đến ngày 22-7, ít nhất 139 người chết, khoảng 1.000 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa đám đông biểu tình và lực lượng an ninh Bangladesh. Thậm chí khi các cuộc biểu tình dâng cao, lực lượng an ninh đã bắn hơi cay, đạn cao su và ném lựu đạn khói để giải tán đám đông.

“Ít nhất 532 người đã bị bắt vì bạo loạn”, phát ngôn viên Sở Cảnh sát thủ đô Dhaka Faruk Hossain nói với AFP.

Sau gần một tuần bạo loạn đẫm máu, Tòa án tối cao Bangladesh hôm 21-7 đã yêu cầu 93% các vị trí của chính phủ phải được tuyển dụng và phân bổ dựa trên năng lực thay vì quy định gây tranh cãi như trước đó.

Tuy nhiên dù Tòa án tối cao đã ban hành yêu cầu mới nhằm xoa dịu công chúng nhưng những sinh viên tham gia biểu tình cho biết họ vẫn có kế hoạch tiếp tục biểu tình, và chỉ ngừng lại khi những người lãnh đạo đám đông được trả tự do.

Đồng thời các sinh viên cũng yêu cầu chính phủ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trong vòng 48 giờ tới và mở cửa các trường đại học trở lại kể từ ngày 24-7.

Các cuộc biểu tình trong tuần qua là đợt biểu tình lớn nhất kể từ khi Thủ tướng Hasina tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 1-2024.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *